Xung đột Ukraine tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới

Xung đột đã tác động tiêu cực tới kinh tế Ukraine, khiến nền kinh tế này thu hẹp 1/3, trong khi các biện pháp trừng phạt bắt đầu khiến Nga không có được nguồn thu từ năng lượng.
Xung đột Ukraine tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới ảnh 1Binh sỹ Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xung đột tại Ukraine gần một năm trước đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự thịnh vượng của thế giới. 

Gần như ngay lập tức, xung đột đã tạo thêm những bất ổn mới, sau khi đại dịch COVID-19 khiến nợ công tăng kỷ lục, khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát và tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga được đưa ra khi các rào cản đối với thương mại thế giới đang gia tăng sau kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Robert Kahn, Giám đốc địa kinh tế vĩ mô toàn cầu tại công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định cú sốc của xung đột gây ra đối với nhu cầu và giá cả đã "giáng đòn" vào kinh tế toàn cầu, cùng với những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các quyết định chính sách khác, đã tạo ra những "cơn gió ngược" này đối với tăng trưởng.

Xung đột đã tác động tiêu cực tới kinh tế Ukraine, khiến nền kinh tế này thu hẹp 1/3, trong khi các biện pháp trừng phạt bắt đầu khiến Nga không có được nguồn thu từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác. Song, thật khó để xác định tác động của xung đột đối với phần còn lại của thế giới.

Các nước láng giềng châu Âu cho đến nay đã tránh được tình trạng phân bổ năng lượng và làn sóng phá sản, nhờ những nỗ lực xây dựng kho dự trữ nhiên liệu và kiềm chế nhu cầu năng lượng, và một mùa đông không quá khắc nghiệt.

Giá lương thực và năng lượng toàn cầu đã tăng vọt khi thế giới thoát khỏi đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và tiếp tục tăng cao hơn sau khi xung đột bùng nổ.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu cho tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel, các nhà phân tích Zsolt Darvas và Catarina Martins nhận thấy giá năng lượng tăng nhiều hơn trong năm 2021 so với năm 2022. Đây là dấu hiệu cho thấy xung đột và các lệnh trừng phạt không phải là động lực quan trọng nhất.

[Dư luận Italy phản đối việc NATO can thiệp vào xung đột Ukraine]

Một số chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới đã vượt qua xung đột. Sự lạc quan chiếm ưu thế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tại Davos, trong khi thị trường tài chính dự báo các nền kinh tế tiên tiến có thể tránh được suy thoái toàn diện.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,4% trong năm ngoái - chỉ thấp hơn một điểm phần trăm so với dự báo trước khi xung đột bắt đầu và trước khi các ngân hàng trung ương của thế giới tiến hành tăng lãi suất để chống lạm phát.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu kinh tế thế giới có đạt mức tăng trưởng 2,9% như IMF dự báo hay không khi con số mới được nâng lên này cao hơn nhiều so với dự báo 2,1% của các nhà kinh tế đưa ra tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục