Sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine một năm trước, các nước châu Âu đã đối mặt với những thách thức mới khi phải nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế Nga, quốc gia cung cấp 40% nhu cầu năng lượng của châu Âu và đảm bảo việc sưởi ấm trong mùa Đông.
Một năm sau, bên cạnh việc tăng cường sử dụng các nhiên liệu như than đã bù vào phần thiếu hụt, các chính phủ đã chi hàng tỷ USD cho việc hỗ trợ hóa đơn năng lượng, khi các công ty khí đốt đạt lợi nhuận kỷ lục và các nước cạnh tranh xây dựng các trạm để nhập khẩu khí đốt từ các nguồn cung mới ở Mỹ, Qatar và Nigeria.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, châu Âu cũng lần đầu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn từ khí đốt vào năm ngoái.
Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 đã giúp các nước cùng nhau vượt qua cú sốc sau xung đột, trong khi các kế hoạch mới nhằm giảm sự phụ thuộc và dầu mỏ của Nga vào năm 2027, với việc sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn tái tạo, đang tiến triển.
Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, Ani Dasgupta, cho rằng cuộc khủng hoảng này đã đưa các nhà lãnh đạo châu Âu lại gần nhau, giúp chính sách năng lượng của khu vực thống nhất hơn bao giờ hết và cũng tham vọng hơn.
[Liên minh châu Âu chia rẽ về chính sách ngoại giao khí hậu]
Xung đột tại Ukraine đã gây ra những biến động trên các thị trường năng lượng toàn cầu, khi khiến giá tăng, đặt ra câu hỏi với các khu vực đang có kế hoạch tăng cường sử dụng khí đốt, trong đó có châu Á, về việc liệu đó có là lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, cho rằng xung đột tại Ukraine có thể đánh dấu sự chuyển đổi căn bản trong cách thức các nước ở châu Âu và các khu vực khác đánh giá về an ninh năng lượng và có thể thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng hàng năm công bố vào tháng 10/2022, ông Birol hối thúc các thị trường năng lượng và các chính sách chuyển đổi sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, không chỉ trong thời gian tới mà trong nhiều thập kỷ tới.
Theo ông Birol, phản ứng của các chính phủ trên thế giới hứa hẹn đưa đến bước ngoặt lịch sử hướng tới hệ thống năng lượng đảm bảo hơn, bền vững hơn và sạch hơn./.