Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn

Tổng Thư ký Guterres đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn ảnh 1Binh sỹ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi lãnh đạo các nước Azerbaijani và Armenia thực hiện ngay lập tực những bước đi nhằm thiết lập ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Theo một thông cáo báo chí do người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric đưa ra, Tổng Thư ký Guterres đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 28/9.

Trong các cuộc thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc về các vụ đụng độ đang diễn ra tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh, đồng thời hối thúc lãnh đạo hai nước lập tức thực hiện các bước đi cần thiết nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn và nối lại đàm phán để ngăn chặn bất ổn trong khu vực.

[Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn]

Ông Guterres tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với vai trò của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk (Nga, Mỹ và Pháp) thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), nhấn mạnh các bên cần hợp tác với họ để trở lại đàm phán vô điều kiện và không trì hoãn.

Trong một tuyên bố ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Belarus cũng kêu gọi nhà chức trách Azerbaijan và Armenia dừng các hành động thù địch, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên.

Bộ Ngoại giao Belarus cũng hối thúc Azerbaijan và Armenia tìm các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, trong đó có những giải pháp trong khuôn khổ Nhóm Minsk của OSCE.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát ngày 27/9 liên quan khu vực Nagorny-Karabakh tiếp tục bước sang ngày thứ hai, trong đó hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng.

Theo thống kê, ít nhất 95 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, trong đó có 11 dân thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục