Ngày 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh" tại khu vực Nagorny-Karabakh sau 3 ngày xung đột gây thương vong.
Trong một tuyên bố được toàn bộ 15 nước ủy viên đồng thuận tại cuộc họp khẩn về điểm nóng xung đột mới này, Hội đồng Bảo an "bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Antonio Guterres rằng các bên cần lập tức chấm dứt giao tranh, giảm căng thẳng và nhanh chóng quay lại đàm phán."
Các nước ủy viên Hội đồng Bảo an cũng "kịch liệt lên án việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc về việc có dân thường thương vong" trong những ngày qua.
[Vì sao tranh chấp Nagorny Karabakh là điểm nóng dai dẳng ở vùng Kavkaz]
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ lo ngại về "những thông tin cho thấy các hành động quân sự quy mô lớn dọc Ranh giới Tiếp xúc" trong khu vực xung đột.
Hội đồng Bảo an khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" vai trò trung tâm của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk (gồm Mỹ, Nga và Pháp) thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong nỗ lực làm trung gian hòa giải.
Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên phối hợp chặt chẽ với các đồng chủ tịch để "nhanh chóng nối lại đối thoại vô điều kiện."
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát ngày 27/9 liên quan khu vực Nagorny-Karabakh bước sang ngày thứ 4, trong đó hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng.
Theo thống kê, ít nhất 95 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, trong đó có 11 dân thường.
Trong một diễn biến mới nhất, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 29/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định sự can dự trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột.
Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, ông Pashinyan cho rằng các chuyên gia quân sự (Thổ Nhĩ Kỳ) và các nhân viên quân sự cấp cao hiện đang ở các điểm chỉ huy của Azerbaijan.
Trước đó, Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toganyan nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga tại khu vực Kavkaz và khả năng sử dụng các biện pháp chính trị để chấm dứt giao tranh. Ông cũng không loại trừ việc Armenia đề nghị Nga trợ giúp quân sự trong trường hợp cần thiết.
Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev tuyên bố phản ứng của nước này đối với điều mà ông gọi là hành động gây hấn của Armenia là "phù hợp" và mô tả tình hình ở khu vực Nagorny-Karabakh là "căng thẳng."
Bình luận về cáo buộc của Armenia rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan, Tổng thống Aliyev lập luận rằng vai trò của Ankara trong khu vực chỉ mang tính chất "ổn định," không can dự trực tiếp vào năng lực của một bên xung đột.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Iran, ông Ali Rabiei cho biết Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột Azerbaijan-Armenia.
Phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ ở Tehran ngày 29/9, ông Rabiei cho hay "chúng tôi tin tưởng rằng cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng Azerbaijan và Armenia có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể hỗ trợ hai nước này xóa bỏ bất đồng một cách hòa bình trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc."
Ông Rabiei cũng nói thêm rằng Iran thường xuyên lên tiếng tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan và Armenia nói riêng và chủ quyền quốc gia của tất cả các nước nói chung.
Về phần mình, Đại diện thường trực của Nga tại OSCE Alexander Lukashevich ngày 29/9 cho biết Nga thực sự quan ngại việc sử dụng rộng rãi vũ khí hạng nặng và xe bọc thép ở Nagorny-Karabakh.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng thường trực OSCE, ông Lakashevich nói: “Nga vô cùng lo ngại về các hành động thù địch quy mô lớn đang diễn ra tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh. Chúng tôi thực sự lo ngại về việc các bên sử dụng rộng rãi vũ khí hạng nặng và xe bọc thép, về thông tin những người thiệt mạng và bị thương, kể cả dân thường.”
Theo ông Lukashevich, Nga cho rằng cần phải ngừng bắn ngay lập tức và hoàn toàn, đồng thời ổn định tình hình trong khu vực xung đột. Ông nhấn mạnh: "Lệnh ngừng bắn phải được khôi phục và tuân thủ vô điều kiện trong tương lai."
Nga đồng thời kêu gọi hai nước liên quan trực tiếp ngay lập tức bắt đầu đàm phán để giảm đối đầu và nối lại đối thoại hòa bình, giải quyết xung đột Nagorny-Karabakh./.