Ngày 15/11, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tại Libya cho biết, xung đột tại quốc gia này, chủ yếu ở thủ đô Tripoli, Derna và Murzuq, đã khiến ít nhất 300.000 người phải di dời giữa các tỉnh thành để chạy trốn bạo lực.
Trước đó, ngày 14/11, hội thảo “Kế hoạch ứng phó nhân đạo tại Libya” đã được tổ chức tại thủ đô Tunis của Tunisia với sự hiện diện của các bên liên quan, các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ tại Libya cũng như quốc tế và các cơ quan của Liên hợp quốc.
Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, khoảng 880.000 người Libya đang cần đến sự hỗ trợ nhân đạo do sự bất ổn chính trị-an ninh dai dẳng và sự thiếu hụt của các dịch vụ công cộng cơ bản.
[Libya khởi động chương trình tái thiết toàn diện trị giá 100 tỷ USD]
Đầu tháng 4/2019, lấy danh nghĩa phòng chống khủng bố và truy quét phiến quân, lực lượng của Tướng Haftar đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli - thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA).
Đến nay, giao tranh đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và buộc hơn 300.000 thường dân phải rời bỏ nhà cửa.
Tất cả các dịch vụ công cộng cơ bản tại thủ đô như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, nước sạch, điện lưới đều bị ảnh hưởng.
Dư luận quốc tế lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại quốc gia này./.