Xung đột Nga-Ukraine tác động thế nào đến nền kinh tế, tài chính Mỹ?

Lịch sử cho thấy rằng bất cứ khi nào có xung đột địa chính trị, thị trường tài chính thường phản ứng nhiều nhất với giá năng lượng tăng vọt và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Xung đột Nga-Ukraine tác động thế nào đến nền kinh tế, tài chính Mỹ? ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết của tác giả Nicholas Sargen đăng trên tờ The Hill, thị trường tài chính đã biến động mạnh trong năm nay, khi giới đầu tư cân nhắc về triển vọng lạm phát cao hơn và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Lẩn khuất trong bối cảnh này là sự không chắc chắn về việc liệu Nga có tấn công Ukraine hay không và phản ứng từ phía Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước hành động này.

Thông báo của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan rằng một cuộc tấn công có thể xảy ra "bất cứ lúc nào" đã kích hoạt việc bán tháo trên thị trường chứng khoán vào ngày 11/2.

Mặc dù không ai có thể chắc chắn các sự kiện sẽ diễn ra như thế nào, song lịch sử cho thấy rằng bất cứ khi nào có xung đột địa chính trị, thị trường tài chính thường phản ứng nhiều nhất với giá năng lượng tăng vọt và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bài học này đã được rút ra trong hai cú sốc dầu mỏ đầu tiên. Giá dầu tăng vọt lần đầu tiên vào năm 1973, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ để trả đũa việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và các quốc gia Arab.

Đợt tăng thứ hai bắt đầu vào đầu năm 1979, khi nhà vua Iran bị lật đổ và sản lượng dầu của Iran giảm từ 5,2 triệu thùng mỗi ngày xuống chỉ còn 1,4 triệu thùng vào năm 1980, khiến sản lượng dầu trên toàn thế giới giảm 6%.

[Ngân hàng Trung ương Mỹ đứng trước sức ép lạm phát leo thang]

Trong cả hai trường hợp, giá dầu tăng gấp 4 lần và Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tích cực tăng lãi suất để chống lại tác động của lạm phát tăng cao. Điều này khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh và thị trường chứng khoán bị bán tháo, đi kèm với suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong các giai đoạn 1973-1974 và 1982-1983.

Trong khi đó, mức tăng của giá dầu trong các năm 1990 và 2003 có liên quan đến các cuộc xung đột giữa Mỹ và Iraq có ảnh hưởng yếu hơn hơn đến nền kinh tế và thị trường.

Một lý do là sự thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ không lớn như hai cú sốc đầu tiên và mức tăng giá nhỏ hơn về tỷ lệ phần trăm. Ngoài ra, Fed đã không thắt chặt chính sách tiền tệ trong cả hai lần vì lạm phát đã được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Fed xem giá dầu cao hơn là một loại thuế đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp và sẽ làm suy yếu nền kinh tế.

Trên cơ sở các thông tin đó, vấn đề chính cho giới đầu tư ngày nay là một cuộc xâm lược Ukraine của Nga sẽ tác động như thế nào đến thị trường năng lượng nếu Mỹ và NATO trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt và kết quả đối với chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ như thế nào?

Trong vấn đề đầu tiên, một yếu tố tích cực là Mỹ đã trở thành quốc gia tự cung tự cấp năng lượng trong thập kỷ qua. Điều này phản ánh cả sự bảo tồn năng lượng ở phía cầu và sự phát triển của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở phía cung.

Tuy nhiên, lượng dầu nhập khẩu từ Nga hiện chiếm 10% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ trong năm 2021. Điều này đã xảy ra khi Mỹ tẩy chay dầu từ Venezuela.

Trong khi đó, châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ lớn hơn vì khu vực này phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga. Nga là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên toàn cầu, chiếm gần 17% nguồn cung vào năm 2020.

Quốc gia này xuất khẩu hơn 35% sản lượng khai thác và khoảng 70% được gửi đến châu Âu bằng đường ống, mà phần lớn đi qua Ukraine thông qua ba đường ống chính. Lớn nhất là hệ thống Dòng chảy Phương Bắc 1, với công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm.

Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ ngăn chặn dự án ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 trị giá 10 tỷ USD để chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholtz đã không cam kết làm như vậy, bởi hơn một nửa khí đốt tự nhiên của Đức là do Nga cung cấp. Hơn nữa, Nga cũng cung cấp hơn một nửa lượng than nhập khẩu của Đức. Do đó, vẫn không rõ điều gì sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần xem xét tác động của sự gián đoạn trong xuất khẩu dầu qua đường ống của Nga đối với giá dầu. Giá dầu WTI hiện đang ở mức khoảng 95 USD/thùng, tăng từ ngưỡng khoảng 70 USD/thùng vào đầu năm nay.

Theo Ngân hàng J.P. Morgan, sự gián đoạn nguồn cung có thể gây ra một đợt tăng giá khí đốt tự nhiên châu Âu tương tự như những gì đã xảy ra vào cuối tháng 12 năm ngoái. Điều này cũng sẽ tác động đến giá dầu, bởi các quốc gia có thể sẽ chuyển từ sử dụng khí đốt tự nhiên sang dầu: "Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự phòng thấp ở các khu vực khác có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên ngưỡng 120 USD/thùng. Lượng xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa có thể sẽ đẩy giá dầu Brent lên 150 USD/thùng.”

Nếu vậy, mức độ tăng giá năng lượng được hình dung sẽ phù hợp hơn với hai cuộc xung đột của Mỹ với Iraq hơn là hai cú sốc dầu mỏ đầu tiên. Tuy nhiên, một vấn đề là Nga sẽ là một đối thủ đáng gờm hơn Iraq. Một lý do khác là quyết định của Chính phủ Mỹ nhằm sử dụng Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FSP) để hạn chế các công ty vận chuyển các sản phẩm công nghệ đến Nga có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng.

Thách thức đối với Fed là giá năng lượng cao hơn sẽ làm gia tăng tình hình lạm phát tại Mỹ, hiện đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 7,5%. Các nhà đầu tư hiện nhận ra rằng Fed đang đứng sau xu hướng thị trường và họ đã nâng cao đáng kể kỳ vọng của mình đối với chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed.

Ví dụ, vào đầu năm nay, Fed quyết định sẽ tăng lãi suất cơ bản của trái phiếu lên 0,25% trong tháng Sáu, sau đó sẽ tăng thêm hai lần 0,25 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay. Hiện nay, các nhà đầu tư trái phiếu đang cho rằng hơn 60% khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng Ba, và có thể tăng lãi suất thêm 1,75 điểm phần trăm trong năm nay.

Tác giả bài viết nói trên cho rằng Fed sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ nếu giá dầu tăng vọt, vì Fed sẽ coi việc tăng giá là một sự kiện ngoại sinh có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ngoài ra, giá năng lượng cao hơn sẽ thắt chặt điều kiện thị trường tài chính nếu thị trường trái phiếu và chứng khoán bị bán tháo.

Tương tự, Fed sẽ có rất ít thời gian để điều chỉnh việc tăng lãi suất đã được quyết định, trong bối cảnh lãi suất đang ở gần mức thấp kỷ lục và ở mức âm sau khi điều chỉnh lạm phát. Trong những trường hợp này, kịch bản dễ xảy ra nhất là suy thoái, trong đó kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát duy trì ở mức cao và thị trường tài chính hoạt động kém hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục