Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3% và kinh tế Ukraine tăng trưởng 3,5%.
Ngày 31/3, EBRD dự báo nền kinh tế Nga và Ukraine có thể sẽ suy giảm lần lượt 10% và 20% trong năm nay do xung đột giữa hai nước gây ra "cú sốc về nguồn cung" lớn nhất trong 50 năm qua.
EBRD nêu rõ ngân hàng này là thể chế tài chính quốc tế đầu tiên cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga và Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Dự báo mới nhất của EBRD dựa trên giả định Nga và Ukraine có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong vòng vài tháng tới, ngay sau đó là nỗ lực tái thiết quy mô lớn ở Ukraine.
[Lạm phát trong tháng Hai tại Nga chạm mức cao nhất 6 năm qua]
Với kịch bản này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine có thể sẽ phục hồi 23% vào năm tới. Tuy nhiên, đối với Nga, GPD có thể sẽ không tăng trưởng do tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Theo EBRD, các biện pháp trừng phạt Nga dự kiến sẽ được duy trì trong thời gian tới, làm đình trệ nền kinh tế nước này trong năm 2023 và tác động tiêu cực đến một số quốc gia láng giềng ở Đông Âu, khu vực Caucasus và Trung Á.
Với Belarus, quốc gia cũng đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, EBRD dự báo GDP giảm 3% trong năm nay và sau đó tăng trưởng trì trệ vào năm 2023.
Cũng theo EBRD, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với "cú sốc về nguồn cung" nghiêm trọng nhất kể từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Nhà kinh tế trưởng của EBRD Beata Javorcik cho rằng áp lực lạm phát, vốn đã cao trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, "chắc chắn sẽ tăng lên" và tác động không đồng đều đến nhiều quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Đầu tháng này, EBRD đã công bố gói hỗ trợ phục hồi trị giá 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) để giúp người dân, doanh nghiệp và các quốc gia bị ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm cả những nước tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine./.