Xung đột Nga-Ukraine gây trở ngại lớn cho tiến trình toàn cầu hóa

Xung đột Nga và Ukraine làm gián đoạn các nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu; làm gia tăng những vấn đề trong hoạt động sản xuất chip vốn không thể thiếu trong công nghệ hiện đại.
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đã kéo dài hơn 100 ngày, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến tiến trình toàn cầu hóa các chuỗi cung ứng, nền kinh tế và sản xuất công nghiệp, một quá trình vốn gần như là tất yếu trong giai đoạn đầu của thế kỷ này, đối mặt với những trở ngại lớn.

Xung đột đã làm gián đoạn các nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu, khi các công ty có tiếng nhất thế giới rút khỏi Nga, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này và Nga cũng như các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đổ lỗi lẫn nhau cho việc gây ra nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Cuộc xung đột cũng làm gia tăng những vấn đề trong hoạt động sản xuất chip vốn không thể thiếu trong công nghệ hiện đại.

Nhiều quốc gia và nhóm nước muốn chấm dứt nhiều thập niên phụ thuộc vào mạng lưới nguồn cung toàn cầu vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ để tìm kiếm các nguồn cung đảm bảo hơn, một quá trình đã có những thách thức nội tại và những vấn đề mới.

Ngoại trưởng Ghana, Shirley Ayorkor Botchwey, đã cảnh báo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng xung đột đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên khắp thế giới với mức độ chưa từng có kể từ Thế chiến thứ hai, khi các tuyến cung ứng toàn cầu đột ngột bị xáo trộn.

Trong ngắn hạn, tầm quan trọng của cả Nga và Ukraine đối với các nguồn cung lương thực và năng lượng toàn cầu đã trở thành thách thức lớn đối với những nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu, khi dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc của Nga tiếp tục được đưa ra thị trường quốc tế, dù giảm đi.

[OECD giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022]

Cuối tuần trước, Tổng thống Senegal và là Chủ tịch Liên minh châu Phi, Macky Sall, đã có cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây, dù Mỹ và Liên minh châu Âu cho rằng xung đột Nga-Ukraine và tình trạng tắc nghẽn tại cảng Odesa của Ukraine là nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm.

Công nhân lắp ráp ôtô tại một nhà máy của hãng Fiat-Chrysler. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Tuy nhiên, công nghệ là lĩnh vực cho thấy rõ nhất tầm quan trọng của việc tiếp cận các mạng lưới toàn cầu hóa. Nga bị cô lập ra khỏi nền kinh tế toàn cầu, khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ cản trở nhiều công ty Trung Quốc trong việc thúc đẩy hoạt động tại Nga. Nga phụ thuộc vào chip của các nhà sản xuất của phương Tây cho các ngành công nghiệp lớn như dầu khí.

Năm 2020, lo ngại về sự giám sát của Trung Quốc thông qua tập đoàn công nghệ Huawei cùng với tình trạng thiếu chip trên toàn cầu và quan hệ địa chính trị xấu đi giữa đại dịch, Mỹ đã hạn chế việc bán chip cho các công ty Trung Quốc. Nga cũng đối mặt với những hạn chế tương tự và hiện còn gắt gao hơn, khiến bất kỳ nhà sản xuất lớn nào cũng gặp khó khăn để có thể tiếp tục mua trực tiếp.

Nga có thể phải tìm nguồn chip mới khi thị trường thắt chặt hơn sau xung đột. Nhà máy thép Azovstal ở Mariupol hiện đã bị phá hủy nằm trong số các nhà sản xuất lớn nhất các loại khí như neon và argon là nguyên liệu chính trong sản xuất vi mạch và chưa rõ liệu các nhà sản xuất khác, chủ yếu tại Trung Quốc, có bù được phần sụt giảm hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục