Theo báo “Lidovky” của Cộng hòa Séc, các lực lượng của Nga đang chiếm đóng vùng Kherson đã tịch thu 1 chiếc tàu du lịch và đưa đến khu vực cầu Antonivsky, nơi vừa bị pháo binh Ukraine bắn hỏng nặng, để vận chuyển người và hàng hóa.
Mặc dù khả năng vận tải qua sông Dnepr không bị cắt đứt hoàn toàn, nhưng việc một mắt xích quan trọng bị phá hủy khiến tình hình của lực lượng đồn trú Nga tại Kherson càng thêm phức tạp. Điều này cũng có thể đang báo hiệu cho một bước ngoặt chiến lược.
Cho đến nay, các cuộc tấn công quy mô lớn vẫn chủ yếu do Nga thực hiện. Lực lượng Ukraine mới chỉ chiếm được các làng mạc hoặc thị trấn nhỏ.
[Chiến tranh tước đoạt ảnh hưởng chính trị của giới tài phiệt Ukraine]
Khu vực xung quanh Kiev như Chernihiv và Sumy được giải phóng từ cuối tháng 3/2022 không phải là kết quả của những cuộc phản công kinh điển từ phía Ukraine, mà chỉ đơn giản là do Nga đã tự rút lui khỏi các thành phố này.
Tuy nhiên, giờ đây, pháo binh Ukraine đã đánh trúng 1 cây cầu, tức là 1 mục tiêu không hề dễ dàng, từ khoảng cách 40km bằng các hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Mỹ Adam Smith tuyên bố nguồn vũ khí do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ cho Ukraine có thể dẫn đến bước ngoặt trong cuộc xung đột hiện nay.
Theo ông Smith, việc NATO có thể cung cấp từ 25-30 hệ thống HIMARS, cùng với các hệ thống vũ khí uy lực như lựu pháo M777, đã khiến tình hình đang dần thay đổi.
Động thái "lạ" của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Tình hình chiến sự hiện vẫn được dư luận theo sát, đặc biệt là việc Ukraine yêu cầu cung cấp 50 hệ thống HIMARS, trong khi trên thực tế Kiev đã có 16 hệ thống này.
Chủ tịch Adam Smith cũng đang hối thúc để Kiev có thể nhận được các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cải tiến với tầm bắn được nâng từ 165km lên 300km.
Theo ông, trong cuộc chiến này, bên nào có khả năng bắn xa hơn sẽ có ưu thế hơn.
Cũng chính vì vậy, theo người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Mỹ, quân đội Nga đang tập kết lực lượng và vật chất, khí tài ở những vị trí "xa hơn so với trước đây."
Carl von Clausewitz, một viên tướng nước Phổ, trước đây từng đưa ra khái niệm nổi tiếng về chiến tranh khi cho rằng "chiến tranh chỉ là sự nối tiếp của chính trị bằng các phương thức khác."
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine, quan niệm đó lại bị đảo ngược bởi có thể thấy Kiev sẽ ngày càng khó chấp nhận khả năng đàm phán thông qua các kênh liên lạc về một thỏa hiệp dưới hình thức một hiệp định đình chiến với Moskva.
Trừ khi có một diễn biến nào đó vô cùng khó lường xảy ra, chẳng hạn như việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, một nguy cơ khó xảy ra trong giai đoạn này, cuộc chiến hiện nay vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian dài.
Giới lãnh đạo Ukraine không thể hình dung về một thỏa hiệp bởi điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ sự sụp đổ của chính quyền Kiev.
Thế nhưng, với người Mỹ lại khác, khả năng thương lượng không phải là điều bất khả thi. Mỹ đại diện cho thế lực có tiếng nói quyết định của NATO, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lại không coi trọng Liên minh châu Âu (EU) với các nhà lãnh đạo đang tỏ ra dao động. Có vẻ như chính Washington cũng đang thăm dò các khả năng.
Chẳng hạn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra.
Mặc dù chủ đề chính thức của cuộc điện đàm này được thông báo là liên quan đến việc trao đổi tù nhân, cụ thể là liên quan đến vận động viên bóng rổ Brittney Griner và cựu quân nhân Paul Whelan đang bị giam giữ tại Nga, cũng như "thương gia tử thần" Viktor But, một lái buôn vũ khí người Nga đang phải thụ án 25 năm tù trong nhà giam của Mỹ…, song vấn đề trao đổi tù nhân có thể không phải là lý do chính của cuộc điện đàm bởi trên thực tế, động thái của Ngoại trưởng Mỹ rất có thể liên quan đến một âm mưu ngoại giao liên quan đến hòa bình tại Ukraine.
Kịch bản Syria không thể áp dụng với Ukraine
Thực ra, ngay cả Nga cũng đang tìm lối thoát cho thế bế tắc hiện nay. Tình hình chắc chắn không thuận lợi với Moskva như đã được thể hiện thông qua kết quả ủng hộ lên đến 80% của một cuộc thăm dò dư luận Nga về chiến dịch tại Ukraine.
Trên thực tế, xã hội Nga đang bị chia rẽ, lực lượng chống đối Điện Kremlin ngày càng tăng khi con số thương vong tại chiến trường Ukraine ngày càng lớn.
Theo ước tính của Mỹ, lực lượng Nga có thể đã mất tới 75.000 người, con số cao hơn rất nhiều so với ước tính trước đó là từ 15.000 đến 40.000 người.
Những thuật ngữ như "chủ nghĩa ly khai Siberia" hay "Tartan tự do," vốn đang mờ nhạt, nay lại hoàn toàn có thể bùng nổ trong tương lai gần.
Hơn nữa, Washington cũng đã tuyên bố rằng trong thời gian tới, Kiev có thể sẽ nhận được các máy bay chiến đấu của Mỹ.
Thực tế ở đây là Ukraine sẽ là đầu cầu của Mỹ, sẽ sử dụng vũ khí Mỹ và có căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Khi đó, Mỹ sẽ không còn đe dọa Điện Kremlin chỉ bằng những tuyên bố hay những bài tuyên truyền mang nặng tính giáo điều.
Có vẻ như nhờ cuộc xung đột này, Washington sẽ khắc phục được hạn chế đó, chẳng hạn như thông qua các thỏa thuận trung gian theo kiểu "thỏa thuận về chúng tôi mà không có chúng tôi" do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ ký về Syria, tuy không phải là tối ưu nhưng cũng đã cho thấy hiệu quả.
Thế nhưng, sẽ khó khăn hơn nếu các bên cố gắng đạt được một thỏa thuận tương tự tại Ukraine, nơi người dân chưa quá mệt mỏi vì chiến tranh như người Syria.
Mặc dù vậy, cũng đã có những tín hiệu tích cực nhất định thông qua thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine mới đạt được.
Vẫn sẽ cần thêm thời gian để các bên có thể thực sự đạt được một thỏa thuận nào đó. Có thể dự báo rằng cho đến mùa Đông sắp tới, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn sẽ chưa chấm dứt, dù bất cứ ai cũng muốn rằng dự báo này sẽ sai./.