Theo trang mạng dw.com (Đức), khu vực Mỹ Latinhh đang bị chia rẽ bởi cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine.
Trong khi nhiều quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, thì 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil và Mexico lại từ chối, và khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu hối thúc Nga ngừng tấn công Ukraine, hầu hết các nước trong khu vực đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi Bolivia, Cuba, El Salvador và Nicaragua lại bỏ phiếu trắng.
Theo bài viết trên, việc Nga thân thiết với các nước Mỹ Latinh trong những năm gần đây dường như đã đơm hoa kết trái.
Thời gian qua, ông Putin ngày càng tập trung vào Mỹ Latinh qua các thỏa thuận thương mại, chuyển giao vũ khí, mở cửa cho phóng viên của các hãng tin như Sputnik và RT, ngoại giao vaccine, các khoản tín dụng cho Cuba và các cuộc tập trận quân sự với Venezuela.
Vài tuần trước khi nổ ra cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Argentina Alberto Fernández và người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro đã đến Moskva.
[Xung đột Nga-Ukraine: Bước ngoặt thay đổi cục diện thế giới?]
Các chuyến thăm chính thức này không phải để làm trung gian trong cuộc xung đột Ukraine mà là để gắn bó với Putin: Alberto Fernández đã đề nghị Nga coi Argentina như một cửa ngõ vào Mỹ Latinh, trong khi Jair Bolsonaro tuyên bố đoàn kết với Nga. Cả hai đều không nghe theo những cảnh báo từ Washington về việc Nga triển khai quân đội ở biên giới với Ukraine.
Các chuyến thăm trên mô phỏng sự tái định hướng chiến lược của một lục địa trước đây được coi là "sân sau" của Mỹ. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, điều này giống một phát súng cảnh cáo mang tính biểu tượng chống lại Mỹ. Alberto Fernández, một chính trị gia theo đường lối trung tả, ủng hộ một trật tự thế giới đa cực và tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Jair Bolsonaro đã nhanh chóng chuyển từ một người hâm mộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sang hâm mộ ông Putin.
Toàn bộ Mỹ Latinh đều bị bất ngờ trước cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine. Phản ứng chính thức của các quốc gia thể hiện sự phân cực rõ ràng trong khu vực khi nhiều nước lên án, trong khi Nicaragua, Cuba và Venezuela bày tỏ sự đoàn kết hoàn toàn với Tổng thống Putin.
Theo đánh giá của chuyên gia Juan Gabriel Tokatlian thuộc Đại học Torcuato Di Tella, khu vực không thống nhất về vấn đề Nga-Ukraine và ngay cả khi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã soạn thảo một tuyên bố chung, nhưng nhiều quốc gia, chẳng hạn như Uruguay, Jamaica, Argentina và Brazil, không ký vào tuyên bố đó.
Kịch bản kỳ lạ nhất được đưa ra bởi Brazil, khi Tổng thống Bolsonaro tuyên bố "trung lập" nhưng Phó Tổng thống Hamilton Mourao lại lên án cuộc chiến tranh và kêu gọi hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Đại sứ Brazil tại Liên hợp quốc cho biết Nga đã "vượt qua lằn ranh đỏ."
Sự hỗn loạn ngoại giao đã phần nào được giải tỏa khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về nghị quyết thúc giục Nga ngừng tấn công Ukraine và không tiến hành bất kỳ hành động đe dọa tương tự nào đối với các nước thành viên Liên hợp quốc.
Hầu hết các nước Mỹ Latinh đã bỏ phiếu ủng hộ. Bolivia, Cuba, El Salvador và Nicaragua bỏ phiếu trắng. Venezuela đã chỉ trích nghị quyết, nhưng không được phép bỏ phiếu vì chưa thanh toán các khoản đóng góp của nước này cho Liên hợp quốc.
Ngoài việc cân nhắc về luật pháp quốc tế, chính phủ các nước Mỹ Latinh có lẽ cũng đã tính đến vấn đề dư luận. Hình ảnh những ngôi nhà bị đánh bom và những người dân thường đang chạy trốn - chiếm phần lớn thời lượng trên các bản tin truyền hình của khu vực trong những ngày gần đây - cũng đã kích động những biểu hiện của tình đoàn kết với các nạn nhân trong cuộc xung đột.
Mặc dù chưa có cuộc thăm dò dư luận nào, nhưng các cuộc xâm lược đã mang lại những ký ức tồi tệ ở Mỹ Latinh, như cuộc xâm lược Panama của Mỹ. Đại sứ Mexico tại Liên hợp quốc Juan Ramón de la Fuente cho biết: "Mexico đã bị xâm lược 4 lần trong lịch sử của mình và biết rất rõ điều đó có nghĩa là gì."
Đối với hầu hết các nước Mỹ Latinh, Nga là một đất nước xa xôi và ít người biết đến. Ảnh hưởng của Tổng thống Putin chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ, mặc dù rất tích cực trên mạng xã hội, đó là nhóm trí thức cánh tả.
Tuy nhiên, quan hệ đối tác với Nga có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nicaragua, Cuba và Venezuela, khi Moskva đang giúp các quốc gia này né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, Venezuela gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu lúa mì của Nga.
Như vậy, khu vực đang bị chia rẽ bởi việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Colombia - một đối tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã chấp thuận, trong khi Mexico và Brazil từ chối: Brazil có lý do mạnh mẽ để làm như vậy, vì cường quốc nông nghiệp này nhập khẩu 69% lượng phân bón từ Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, theo đường lối cánh tả, là kẻ thù của chính sách trừng phạt và đã nhiều lần lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Tuy nhiên, Mexico đang chịu áp lực rất lớn từ Mỹ, đối tác thương mại số 1 của nước này./.