Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng đến các tiệm bánh ngọt của Nigeria

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tình hình căng thẳng tại châu Âu lại ảnh hưởng tới tận châu Phi xa xôi, cụ thể là Nigeria, và cụ thể hơn nữa là tới những người làm bánh ngọt tại đây.
Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng đến các tiệm bánh ngọt của Nigeria ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: MakeMoney.ng)

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với thế giới, thậm chí có thể dẫn đến những kết quả không ai lường tới vì thoạt nhìn có vẻ như rất không liên quan.

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tình hình căng thẳng tại châu Âu lại ảnh hưởng tới tận châu Phi xa xôi, cụ thể là đất nước Nigeria, và cụ thể hơn nữa là ảnh hưởng tới những người làm bánh ngọt tại Nigeria.

Một năm sau khi cuộc xung đột diễn ra, rất nhiều tiệm bánh ngọt tại Nigeria đã phải đóng cửa vì không thể mua được một loại nguyên liệu chính quan trọng nhất cho hoạt động kinh doanh - lúa mỳ, do giá cả đã tăng "phi mã."

Tolulope Phillips, chủ một tiệm bánh ở Nigeria cho biết trước cuộc xung đột ở Ukraine, bột mỳ có giá khoảng 15.000 naira (khoảng 33 USD) nhưng hiện tại giá bột mỳ là 31.000 naira (68 USD), tăng khoảng 136% và giá cả không ổn định, khiến doanh nghiệp bất an.

Anh Philips cho biết mình đã buộc phải điều chỉnh lại giá bán hàng để có lợi nhuận. Không chỉ giá bột mỳ, mà giá đường cũng tăng mạnh, cùng với dầu diesel tăng cao gây áp lực lên giá điện. Tất cả đều đẩy chi phí sản xuất loại hàng hóa này lên cao.

[Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cung cấp bột mỳ miễn phí cho nước kém phát triển]

Ngành sản xuất thực phẩm của Nigeria chưa phát triển, hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo chủ hiệu bánh này, chính phủ cần đầu tư hơn vào nông nghiệp và việc làm, đầu tư các kho dự trữ ngũ cốc, đảm bảo công việc cho nông dân trong nước. Anh cho rằng Nigeria cần phải giảm sự phụ thuộc lúa mỳ, lúa miến, ngô từ các nước như Ukraine và Nga.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Johnson Chukwu lại đưa ra một lập luận khác. Ông cho rằng người Nigeria nên chuyển việc tiêu thụ các loại thực phẩm như lúa mỳ sang các loại ngũ cốc và củ khác được sản xuất trong nước.

Nhưng ông cũng nhận định cơ sở lương thực của Nigeria khá yếu kém, dẫn đến tình trạng mất an ninh, giảm năng suất, hiệu quả sản xuất của địa phương. Sản lượng giảm khiến các mặt hàng lương thực nội địa của Nigeria cũng khá đắt đỏ, lại thiếu dự trữ lương thực địa phương.

Tuy nhiên, không phải chủ tiệm nào cũng lựa chọn cách tăng giá, giảm bớt nguyên liệu hay thậm chí đóng cửa. Đã có những người đi tiên phong trong việc sản xuất lương thực, thực phẩm từ những nông sản địa phương.

Nigeria là một trong những quốc gia cung cấp sản lượng sắn lớn nhất thế giới, một loại rau củ giàu khoáng chất và vitamin C.

Renee Chuks, một đầu bếp chuyên nghiệp tại Nigeria, vừa bắt đầu thử nghiệm làm mỳ ống từ sắn - một sáng kiến nảy ra khi cô trải qua đợt giãn cách trong đại dịch COVID-19.

"Sắn là một trong những cây lương thực chính và chủ yếu của chúng tôi, vì vậy chúng tôi nghĩ hãy bắt đầu với điều đó. Nếu chúng tôi có thể đạt được thành công tốt với sắn thì mọi thứ khác sẽ theo sau," Chuks trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, từ cơ sở của công ty cô ở Lagos.

Do đó, Chuks tin rằng châu Phi có thể tận dụng nhiều hơn các loại cây trồng tại địa phương, để giúp cải thiện an ninh lương thực trên lục địa này.

Theo chính phủ Nigeria, hơn nửa dân số nước này buộc phải vay tiền để chi trả cho thực phẩm trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19 vào đầu năm nay.

Trong khi đó, 68% các hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong tháng 8, sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục