Xung đột Nagorny-Karabakh và vai trò của máy bay không người lái

Bất chấp sự vượt trội về các lực lượng lục quân thông thường, trong đó bao gồm nhiều xe tăng, radar song quân đội Armenia dễ dàng trở thành con mồi cho các máy bay không người lái của Azerbaijan.
Xung đột Nagorny-Karabakh và vai trò của máy bay không người lái ảnh 1Binh sỹ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, Tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại - do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Nhà nước Trung Quốc phát hành - mới đây đã đăng bài báo nhận định rằng bài học cảnh tỉnh rút ra từ cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan xung quanh khu vực tranh chấp Nagorny-Karabak có liên quan đến khả năng thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường của các máy bay không người lái và cách quân đội Armenia bị các máy bay không người lái của đối thủ đánh bại tan tác.

Bất chấp sự vượt trội về các lực lượng lục quân thông thường, trong đó bao gồm nhiều xe tăng, radar và các phương tiện bọc thép, song quân đội Armenia đã dễ dàng trở thành những con mồi cho các máy bay không người lái có vũ trang của Azerbaijan, đặc biệt là các máy bay không người lái Bayraktar TB2 có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trong chiến hào hoặc các phương tiện đang di chuyển.

Những đoạn phim do máy bay không người lái của Azerbaijan ghi lại cho thấy các binh lính Armenia đã bị phát hiện và trở thành mục tiêu tấn công trên bộ.

[Azerbaijan tuyên bố đã chiếm thị trấn chiến lược tại Nagorny-Karabakh]

Các máy bay không người lái này cũng được sử dụng cho các hoạt động trinh sát, hỗ trợ Azerbaijan buộc phía Armenia phải đầu hàng chỉ trong vòng 6 tuần.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm bên trong các đường biên giới được quốc tế công nhận là của Azerbaijan, nhưng lại do các nhóm sắc tộc của Armenia kiểm soát.

Bài viết trên Tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại cho biết: “Trong trường hợp cuộc xung đột Nagorny-Karabakh này, ‘lá chắn’ để đối phó với các máy bay không người lái đã không được sử dụng một cách hiệu quả. Mặc dù các bên đều triệt hạ số lượng lớn máy bay không người lái của đối phương, nhưng không bên nào có đủ năng lực để ngăn chặn các đợt tấn công kế tiếp.”

Bài báo phân tích tiếp: “Máy bay không người lái ngày càng tân tiến hơn về mặt công nghệ, khó phát hiện và phòng vệ hơn.”

Bài viết cũng đề xuất việc xây dựng một mạng lưới phát giác đa tầng với các radar chống máy bay không người lái, các radar cảnh báo điểm mù, các trạm phát hiện sóng radio và các biện pháp sóng âm hoặc tia hồng ngoại khác để “giám sát liền mạch tại nhiều địa điểm và trên phạm vi rộng.”

Ngoài việc dò tìm, bài báo còn đề xuất các chiến thuật như là thiết bị làm nhiễu sóng điện tử, sử dụng các vũ khí phòng không LD2000, và tung ra các mục tiêu giả.

Trung Quốc cũng là một nước sử dụng nhiều máy bay không người lái trong lĩnh vực quân sự và đang tiếp tục phát triển các máy bay không người lái mới với các năng lực tàng hình, tốc độ, độ cao, độ bền và tự động hơn.

Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 10 cho biết nước này đã phát triển một “máy bay không người lái cảm tử” giá thành thấp mới, theo đó có thể được triển khai từ một phương tiện chiến thuật hạng nhẹ hoặc từ các máy bay trực thăng trong một đội hình tấn công.

Timothy Heath, nhà phân tích an ninh cấp cao làm việc tại Hãng tư vấn Rand của Mỹ, nhận định rằng cuộc xung đột Nagorny-Karabakh đã cho thấy rõ cách thức các quân đội mà về lý thuyết là yếu hơn có thể triển khai hiệu quả các máy bay không người lái có vũ trang để gây ra những tổn thất cho các lực lượng quân sự thông thường của đối phương vốn được cho là mạnh hơn nhưng lại không có sự phòng bị.

Heath nói: “Cuộc xung đột mới đây cho thấy các quân đội tiên tiến phải phát triển các phương tiện phòng thủ giá rẻ, số lượng lớn để chống máy bay không người lái. Các lực lượng lục quân cần triển khai hàng loạt ra-đa di động và tên lửa đất đối không để có thể theo kịp các xe bọc thép đang di chuyển và các đội hình lục quân khác.”

Malcolm Davis, nhà phân tích kỳ cựu về chiến lược và năng lực phòng thủ tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định rằng cuộc xung đột Nagorny-Karabakh đã cho thấy tương lai của các cuộc chiến tranh, theo đó các vũ khí sát thương tự động và vũ khí cảm tử lưu động - còn được gọi là các máy bay cảm tử không người lái - có thể mở ra những con đường mới để các nước nhỏ và tầm trung khai thác công nghệ mới để đạt được hiệu quả sát thương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục