Xung đột Israel-Palestine: Giải pháp ''hai nhà nước'' đã chết?

Người Palestine, những người Do Thái có tư tưởng tự do và phần lớn cộng đồng quốc tế đã tranh luận mạnh mẽ về giải pháp hai nhà nước trong nhiều thập kỷ qua.
Xung đột Israel-Palestine: Giải pháp ''hai nhà nước'' đã chết? ảnh 1Khu định cư Revava của Israel ở Bờ Tây. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, không thể tin được rằng 102 năm đã trôi qua kể từ Tuyên bố Balfour khi chính quyền thực dân Anh quyết định ủng hộ người Do Thái lập quốc trên vùng đất của người Palestine - nhưng cũng cam kết rằng "điều đó sẽ được thực hiện mà không vi phạm các quyền dân sự và tôn giáo của những người không phải người Do Thái đang sinh sống trên vùng đất này."

Chính quyền Trump trong tháng này đã tuyên bố các khu định cư của người Do Thái trên đất Palestine ở Bờ Tây không còn là bất hợp pháp.

Dù phần còn lại của thế giới phản đối tuyên bố này, song người Palestine vẫn phải đối mặt với khả năng 60% Bờ Tây sẽ được bao phủ bởi các khu định cư của Israel. 40% sẽ bị bỏ mặc dưới hình thức các khu vực của người Palestine bị chia cắt và cô lập. Hiện có khoảng 400.000 người định cư tại đây.

Giải pháp "hai nhà nước" từng được bàn tới rất nhiều đã chết. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói, có một khả năng rõ ràng là giờ đây Israel sẽ trở thành "một quốc gia phân biệt chủng tộc như Nam Phi trước đây."

Xét về dân số, người Israel tương đương người Palestine, nhưng sức mạnh quân sự của Israel rất lớn. Đây là điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ lâu đã thúc đẩy - một Israel rộng lớn hơn ("Greater Israel").

Mặc dù Netanyahu đang đấu tranh để thành lập một chính phủ thiểu số, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 48% người Israel Do Thái ủng hộ Netanyahu về vấn đề này.

[TTK LHQ phủ nhận giá trị pháp lý khu định cư của Israel ở Bờ Tây]

Người Palestine, những người Do Thái có tư tưởng tự do và phần lớn cộng đồng quốc tế đã tranh luận mạnh mẽ về giải pháp hai nhà nước trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù nếu được ban hành, giải pháp đó sẽ mang lại cho người Palestine ít đất hơn so với người Anh trao cho họ trước kia.

Điều thú vị là, một cuộc thăm dò do trường Đại học Maryland tiến hành hồi năm ngoái cho thấy số người Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước và số người Mỹ ủng hộ một nhà nước có các quyền bình đẳng cho mọi người dân gần như ngang nhau.

Khi được hỏi giữa việc giữ nguyên trạng hoặc một nhà nước có các quyền bình đẳng cho mọi dân tộc, họ thích giải pháp nào hơn nếu giải pháp hai nhà nước là không thể, những người được hỏi ý kiến đã chọn giải pháp một nhà nước với tỷ lệ 2 chọi 1. Đây là câu trả lời chính xác - và có một số dấu hiệu cho thấy có sự chuyển động theo hướng đó - không nhiều về phía Israel nhưng trong số hai triệu người Arab sống bên trong Israel, bị phân biệt đối xử theo nhiều cách nhưng vẫn có quyền bỏ phiếu.

Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 mới đây, người Arab Israel đã đoàn kết với nhau trong Liên minh Arab - và thay vì các phiếu bầu của họ bị chia rẽ như trước đây - có thể trở thành, một khi chính phủ mới được thành lập, đảng đối lập lớn nhất ở Israel.

Trong nhiều năm nỗ lực đàm phán về một giải pháp hai nhà nước, người Palestine đã bị buộc phải nhượng bộ quá nhiều. Họ đã chấp nhận rằng việc đưa người tị nạn trở về các thành phố và làng quê nơi tổ tiên họ sinh sống trước đây sẽ không được phép và do đó sẽ vẫn tồn tại một thế hệ khác trong các trại tị nạn tồi tàn.

Họ đã chấp nhận rằng Israel sẽ không trao sự bình đẳng hoàn toàn cho các công dân Palestine của Israel. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một nhà nước? Trong một kịch bản, do dân số người Do Thái và người Arab cân bằng, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra nghẹt thở cho đến phút chót và người Arab liên minh với người Do Thái tự do sẽ giành chiến thắng. Không chắc điều đó sẽ xảy ra.

Sự tương đồng giữa một nhà nước Israel (Israel mới) với Nam Phi kỷ nguyên Apartheid là đáng chú ý, hay đúng hơn, sự khác biệt của họ là đáng chú ý. Một mặt, sẽ không có một chính phủ gồm toàn người Arab. Người Palestine sẽ chỉ chiếm một nửa dân số. Họ chỉ có thể cai trị một cách hiệu quả nếu có số lượng đáng kể các cử tri Do Thái tự do đứng về phía họ.

Để thu hút đủ các đảng Do Thái tham gia chính phủ, người Arab sẽ phải từ bỏ đòi hỏi được nắm các chức vụ thủ tướng và bộ trưởng Quốc phòng. Người Palestine sẽ phải chấp nhận một chương trình kế hoạch hóa gia đình để giảm sự gia tăng dân số Arab so với người Do Thái ở Israel.

Israel không có hiến pháp. Họ sẽ phải soạn ra một bản hiến pháp. Điều này sẽ giúp Israel dân chủ và tuân thủ đầy đủ các quyền con người. Israel mới sẽ bắt đầu bằng cách hồi hương người tị nạn Palestine. Họ cũng sẽ chấp nhận người Palestine tham gia lực lượng quân sự của mình mặc dù cho phép người Palestine từ chối nhập ngũ (với lý do điều đó trái đạo lý) để làm các công việc dân sự quan trọng như điều dưỡng, cứu thương và cứu hỏa.

Họ sẽ sử dụng cơ hội này như một công cụ để hòa nhập các chủng tộc. Như thực tiễn châu Âu đã chỉ ra, chủ nghĩa đa văn hóa nơi người dân được tự do sống giữa các nền văn hóa của chính họ vốn đã không hoạt động trong thời gian dài. Nó tạo ra hoặc củng cố việc tạo ra các khu ổ chuột, và sau đó là tội phạm. Hội nhập (văn hóa) là cần thiết - đặc biệt trong các lĩnh vực trường học, việc làm và nhà ở.

Họ sẽ cần một chương trình giáo dục đại học và đào tạo kỹ thuật lớn để công dân Arab có thể nâng cao kỹ năng. Cần có tín dụng thích hợp và tư vấn nông nghiệp/công nghiệp để giúp các doanh nghiệp Arab hoạt động.

Người Do Thái sẽ ra khỏi "cái giếng." Họ sẽ có tổ quốc, nhưng họ sẽ phải chia sẻ nó như đã từng xảy ra trong suốt lịch sử. Họ cũng sẽ có đặc tính quý giá mà họ không có được - đó là hòa bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục