Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 16/5, Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nếu Israel và Palestine nhất trí muốn ngừng chiến nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang ngày càng diễn biến tồi tệ giữa hai bên.
Phát biểu tại cuộc họp mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình trạng bạo lực leo thang giữa hai bên, Đại sứ Thomas-Greenfield cho hay kể từ lần cuối Hội đồng Bảo an họp về vấn đề Israel-Palestine, Mỹ đã nỗ lực không mệt mỏi qua các kênh ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề xung đột giữa Israel và Palestine.
Bà Thomas-Greenfield khẳng định trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Israel, Palestine và cả những đối tác trong khu vực Trung Đông, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm nếu các bên mong muốn tìm kiểm giải pháp ngừng chiến bởi Mỹ tin rằng cả người dân Israel và người dân Palestine đều có quyền bình đẳng được sống trong môi trường an toàn và đảm bảo an ninh.
[Xung đột Israel-Palestine: Đức đề xuất lộ trình nhằm giảm leo thang]
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết Cairo sẽ nỗ lực hết sức để đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Palestine, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu ngừng leo thang.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên các vùng lãnh thổ của Palestine và việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay.
Ngoại trưởng Shoukry cũng lưu ý rằng ngay từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, Ai Cập đã tìm cách, thông qua các kênh liên lạc, nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và khôi phục các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Kể từ đầu tuần trước, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Israel và các lực lượng tại Dải Gaza. Một phái đoàn Ai Cập đã gặp các quan chức của Tel Aviv và Hamas, qua đó Ai Cập đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm giữa hai bên do Cairo giám sát và điều phối. Tuy nhiên, đề xuất của Ai Cập đã bị Israel từ chối.
Trong những năm qua, Ai Cập đã đàm phán với một số nước phương Tây để thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel-Palestine vốn đang bị đóng băng.
Hồi tháng 2/2020, Ai Cập, Jordan, Pháp và Đức đã thành lập Ủy ban Bộ tứ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Munich với mục đích khôi phục các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ. Ủy ban này tới nay đã tổ chức 4 cuộc họp.
Cuộc họp gần đây nhất được Ai Cập tổ chức vào tháng 2/2021. Tại đây, các ngoại trưởng của 4 nước đã đưa ra 11 điều khoản được nêu chi tiết trong một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh những nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông./.