"Xung đột Hamas-Israel giáng đòn nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu"

Theo Chủ tịch WB Ajay Banga, những gì diễn ra gần đây tại Israel và Dải Gaza gây ra tác động nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế, ông nhấn mạnh thế giới đang ở trong thời điểm "rất nguy hiểm."
"Xung đột Hamas-Israel giáng đòn nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu" ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhận định xung đột giữa Hamas-Israel có thể giáng đòn“nghiêm trọng” đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố trên của ông Banga được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thường niên "Sáng kiến Đầu tư Tương lai," diễn ra từ ngày 24-26/10 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.

Sự kiện này quy tụ hơn 6.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nhiều nước cùng các giám đốc ngân hàng toàn cầu.

Theo Chủ tịch WB, những gì diễn ra gần đây tại Israel và Dải Gaza gây ra tác động nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh thế giới đang ở trong thời điểm "rất nguy hiểm."

Trong khi đó, Thống đốc Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia, Yasir al-Rumayyan lại cảnh báo những thách thức khi lãi suất tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 và điều này gây ra gián đoạn đáng kể và khó lường.

Tuy nhiên, ông al-Rumayyan nhận định chính phủ các nước và doanh nghiệp đã có những điều chỉnh nhằm phù hợp với các chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương để kiểm soát lạm phát.

[Podcast] Thế giới đang phải đối mặt với thời điểm nguy hiểm

Ông cũng bày tỏ lạc quan khi chứng kiến kinh tế và năng suất tăng trưởng nhanh ngay cả trong môi trường lãi suất cao.

Tình trạng xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới với kinh tế toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục