Xung đột Hamas-Israel: Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng bi đát

Các cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cùng các đối tác ngày càng lo ngại về tác động của các biện pháp hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc Dải Gaza.

Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 6/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 6/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 10/1, Liên hợp quốc một lần nữa cảnh báo tình hình nhân đạo tồi tệ tại Dải Gaza khi các cuộc không kích vẫn tiếp diễn, gây thêm nhiều thương vong và hủy hoại không ít cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng tại dải đất này.

Phát biểu với báo giới về tình hình tại Dải Gaza, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric, nhấn mạnh các cơ quan cứu trợ nhân đạo cùng các đối tác ngày càng lo ngại về tác động của các biện pháp hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc vùng lãnh thổ này.

Nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo cảnh báo các dịch vụ y tế ở vùng Deir al Balah và Khan Younis gần như tê liệt.

Căng thẳng gia tăng tại những khu vực này khiến thương vong tăng, an ninh ngày càng bất ổn cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo.

Liên hợp quốc lưu ý Dải Gaza đang thiếu nghiêm trọng các nguồn lực y tế.

Tính đến ngày 9/1, số giường bệnh có sẵn tại đây chỉ đủ để đáp ứng 1/5 tổng nhu cầu là 5.000 giường cấp cứu. Hơn 3/4 trong số 77 cơ sở y tế tại Dải Gaza đã dừng hoạt động, khiến nhiều người dân không có cơ hội được chăm sóc y tế cơ bản khi cần.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay còn tác động tới những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và các bệnh về tâm thần.

Khoảng 350.000 người mắc bệnh mãn tính và 485.000 người mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần tại Dải Gaza tiếp tục bị gián đoạn điều trị.

Gần 1,9 triệu người trong tổng số hơn 2,3 triệu dân ở Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát đầu tháng 10/2023.

Điều kiện sống tạm bợ, tập trung đông đúc tại các khu lều trại thiếu nước, kém vệ sinh khiến họ đối mặt với nguy cơ cao bị mắc các bệnh truyền nhiễm.

Ông Dujarric nêu rõ các tổ chức cứu trợ đã nỗ lực hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh dịch tễ tại vùng Rafah và Khan Younis nhưng phải đối mặt các thách thức lớn, trong đó có thiếu nguyên liệu và khó khăn về hậu cần.

Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung nước. Theo đó, kể cả khi đã huy động mọi hình thức từ vận chuyển nước bằng xe tải, tận dụng nước khử muối kết hợp các nỗ lực khôi phục 1 trong 3 tuyến cấp nước chính thì lượng nước sạch cung cấp hiện nay chỉ tương đương 7% lượng nước cung cấp trước ngày 7/10.

Người phát ngôn Liên hợp quốc nhấn mạnh những thông tin trên phản ánh thực tế bi đát của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục