Xung đột Hamas-Israel: Qatar lạc quan thận trọng về đàm phán ngừng bắn

Một quan chức Hamas cho biết sẽ chấp nhận việc Israel rút quân một phần trước khi trao đổi tù nhân, tức là đã nới lỏng các yêu cầu trước đây về việc rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.

Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại thành phố Gaza ngày 17/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại thành phố Gaza ngày 17/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, ông Majed al-Ansari cho biết các cuộc đàm phán ở thủ đô Doha về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả con tin đang tiến triển.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lạc quan một cách thận trọng về các tiến bộ, nêu rõ hiện còn quá sớm để khẳng định thành công.

Theo ông al-Ansari, Giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad, ông David Barnea đã rời Qatar nhưng các nhóm chuyên viên hiện đang thảo luận chi tiết về một thỏa thuận tiềm tàng.

Ông tin tưởng sẽ sớm có một bản đề xuất gửi Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, dù đây chưa phải là "bước cuối cùng trong toàn bộ tiến trình."

Trước đó, ngày 18/3, ông Barnea đã đến Doha để đàm phán với Thủ tướng Qatar và các quan chức Ai Cập.

Đây là cuộc hội đàm đầu tiên kể từ khi các nhà hòa giải không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo, bắt đầu vào tuần trước.

Một quan chức Hamas cho biết sẽ chấp nhận việc Israel rút quân một phần trước khi trao đổi tù nhân, tức là đã nới lỏng các yêu cầu trước đây về việc rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.

Phát biểu với đài truyền hình Al-Manar của phong trào Hồi giáo Hezbollah, ông Osama Hamdan, một thủ lĩnh của Hamas, bày tỏ hy vọng về việc "chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự" và cho rằng các cuộc đàm phán có thể kết thúc "trong vài ngày."

Tuần trước, Hamas đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần và thả khoảng 42 con tin để đổi lấy 20-50 tù nhân Palestine cho mỗi con tin.

Tuy nhiên, ông al-Ansari cảnh báo nếu Israel tấn công thành phố Rafah, phía Nam Gaza, nơi có khoảng 1,5 triệu người đang trú ẩn, có thể phá hỏng các cuộc đàm phán.

Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ hoạt động nào ở Rafah lúc này sẽ là một thảm họa nhân đạo,” đồng thời cho biết thêm rằng “đàm phán sẽ khó thành công trong bối cảnh một cuộc tấn công như vậy.”

Tuy nhiên, các quan chức y tế Palestine cho biết Israel đã không kích Rafah trong đêm 18/3 làm 14 người thiệt mạng. Quân đội Israel chưa đưa ra bình luận gì về cuộc tấn công trên.

Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 18/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định: “Quan điểm của Mỹ là… tấn công lớn trên bộ sẽ là bước đi sai lầm.”

Ông cho biết thêm các quan chức Israel sẽ sớm tới Washington để trao đổi về "một cách tiếp cận thay thế" nhằm tránh cuộc tổng tấn công vào Rafah./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục