Xung đột Hamas-Israel: Qatar đánh giá lại vai trò trung gian hòa giải

Qatar cho biết đang đánh giá lại vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas, tùy thuộc vào cách hành động của Israel và Hamas trong các cuộc đàm phán.

Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh đang sống ở Doha, Qatar. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh đang sống ở Doha, Qatar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Qatar cảnh báo có thể đóng cửa văn phòng chính trị của lực lượng Hamas ở Doha sau khi đánh giá rộng hơn về vai trò trung gian hòa giải của mình trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Một quan chức Chính phủ Qatar cho biết quốc gia vùng Vịnh này đang cân nhắc xem có cho phép Hamas tiếp tục hoạt động văn phòng trên hay không, và có nên tiếp tục đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng hay không.

Kể từ năm 2012, Qatar đã tiếp đón các thủ lĩnh chính trị của Hamas theo một thỏa thuận với Mỹ. Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh sống ở Doha.

Tháng trước, Qatar cho biết đang đánh giá lại vai trò trung gian hòa giải của mình trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas, tùy thuộc vào cách hành động của Israel và Hamas trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Trong một diễn biến khác, báo The Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Washington đã yêu cầu Doha trục xuất Hamas nếu lực lượng này tiếp tục bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn với Israel.

Một số nghị sỹ Mỹ đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đánh giá lại mối quan hệ với Qatar nếu nước này không gây áp lực buộc Hamas phải đạt được thỏa thuận thả con tin.

Một số nghị sỹ khác kêu gọi Qatar cắt đứt quan hệ với Hamas. Trong khi đó, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu cũng kêu gọi Qatar gây áp lực với Hamas.

Theo đề xuất của Israel, giai đoạn ngừng bắn đầu tiên kéo dài 40 ngày, trong đó Hamas thả tối đa 33 trong hơn 100 con tin của Israel vẫn bị giữ tại Gaza kể từ khi xảy ra xung đột hôm 7/10/2023.

Trong khoảng thời gian này, các bên sẽ tiến hành đàm phán để có một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn.

Ngoài ra, giai đoạn 1 cũng bao gồm việc Israel chấp thuận để người dân Palestine phải đi lánh nạn có thể quay trở lại phía Bắc Gaza.

Giai đoạn ngừng bắn thứ hai sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần, các bên sẽ thả con tin với số lượng lớn hơn và cam kết tạm dừng giao tranh trong thời gian dài, có thể tới 1 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục