Xung đột Hamas-Israel: Mỹ hy vọng về một lệnh ngừng bắn và nghị quyết mới

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận và đàm phán nghiêm túc trên sẽ mang đến kết quả tích cực, trong khi Ngoại trưởng Mỹ hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 19/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/12, hy vọng về một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin mới giữa Israel và phong trào Hamas đang tăng lên, sau các cuộc thảo luận tại châu Âu và việc thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đến Ai Cập để trao đổi với các quan chức lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này về tình hình xung đột.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận và đàm phán nghiêm túc trên sẽ mang đến những kết quả tích cực, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới.

Phát biểu tại họp báo cuối năm ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ mong muốn xung đột Hamas-Israel sẽ chuyển sang giai đoạn cường độ thấp, theo đó quân đội Israel sẽ tập trung vào chiến dịch có mục tiêu với quy mô lực lượng nhỏ hơn.

Ông hy vọng các chiến dịch của Israel sẽ tập trung vào bảo vệ, giảm thiểu tổn hại tới dân thường và tối ưu hóa việc tiếp cận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken cũng giữ quan điểm thận trọng về khả năng Mỹ ủng hộ một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình tại Gaza, với điểm mấu chốt là tiếp cận viện trợ.

Ông nhấn mạnh mục đích của nghị quyết là tạo điều kiện và giúp mở rộng việc đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời khẳng định Mỹ hoàn toàn ủng hộ điều này.

Phiên bản mới nhất của dự thảo nghị quyết do Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) bảo trợ kêu gọi việc chấm dứt khẩn cấp hành động thù địch để tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở, cũng như các bước đi khẩn cấp hướng tới chấm dứt đối đầu lâu dài.

Đại sứ UAE tại Liên hợp quốc Lana Zaki Nusseibeh cho biết các nước đang nỗ lực đạt được nhất trí về một nghị quyết có thể tác động tới tình hình thực địa, song các nỗ lực ngoại giao sẽ mất thời gian.

Trong những ngày qua, các thành viên của Hội đồng Bảo an đã gặp khó khăn trong việc đạt được đồng thuận, khi cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Gaza đã nhiều lần bị trì hoãn từ hôm 18/12 tới nay.

Trong thông báo mới nhất, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Jose Javier De La Gasca Lopez-Dominguez xác nhận Hội đồng Bảo an sẽ dời kế hoạch thông qua nghị quyết sang sáng 21/12 (giờ địa phương) để các bên có thêm thời gian thảo luận về giải pháp ngoại giao.

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết Ngoại trưởng nước này, ông Hossein Amir-Abdollahian đã có cuộc gặp với thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas, Ismail Haniyeh tại thủ đô Doha (Qatar) và thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tại cuộc gặp, ông Haniyeh tuyên bố phong trào này sẵn sàng ngừng bắn lâu dài ở Gaza, song cũng khẳng định Hamas sẽ không đàm phán trong khi bị Israel tấn công.

Về phần mình, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã nêu chi tiết kết quả các cuộc đàm phán ngoại giao mới nhất của Tehran liên quan tới xung đột ở Gaza.

Chính phủ Iran và Qatar đã nhất trí về sự cần thiết phải chấm dứt ngay xung đột, đồng thời khẳng định hai bên đã thực hiện những nỗ lực chung vì mục tiêu này. Ngoài ra, Tehran và Doha cũng đã tổ chức tham vấn về việc mở đường cho viện trợ nhân đạo tới Gaza.

Liên quan tình hình xung đột, ngày 20/12, Israel đã yêu cầu sơ tán các khu vực rộng lớn ở Khan Yunis - thành phố chính phía Nam Dải Gaza.

Trong thông báo, quân đội Israel cũng xác nhận đã tiến hành các chiến dịch trên bộ, trên không và trên biển nhằm vào các hạ tầng quân sự tại thành phố Khan Yunis.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết Israel đã công bố các bản đồ cho thấy những khu vực mới với diện tích bằng 20% thành phố Khan Yunis được đánh dấu để tiến hành sơ tán.

OCHA nêu rõ trước khi xung đột xảy ra, đây là nơi sinh sống của hơn 110.000 người. Khu vực này cũng có 32 cơ sở tạm trú, với hơn 140.000 người đang nương náu, phần lớn trong số này trước đó đã phải di tản từ phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục