Xung đột Hamas-Israel: Hơn nửa triệu người Palestine mất việc làm

Theo số liệu của ILO và PCBS, Dải Gaza đã mất 201.000 việc làm, trong khi Bờ Tây mất 306.000 việc làm kể từ khi cuộc xung đột tại Dải Gaza bắt đầu nổ ra ngày 7/10/2023.

Xung đột giữa Israel và Hamas đã "thổi bay" hơn 500.000 việc làm tại Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Xung đột giữa Israel và Hamas đã "thổi bay" hơn 500.000 việc làm tại Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 18/3 công bố báo cáo cho thấy xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã "thổi bay" hơn 500.000 việc làm trong giai đoạn từ tháng 10/2023 đến cuối tháng 1/2024 trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong khi các hoạt động kinh tế tại Dải Gaza bị đình đốn hoàn toàn.

Số liệu của ILO và Cơ quan Thống kê Trung ương Palestine (PCBS) chỉ ra rằng Dải Gaza đã mất 201.000 việc làm, trong khi Bờ Tây mất 306.000 việc làm kể từ khi cuộc xung đột tại Dải Gaza bắt đầu nổ ra ngày 7/10/2023.

Tuy nhiên, số người Palestine mất việc làm tại thời điểm hiện nay có thể cao hơn nhiều, các hoạt động kinh tế tại Gaza hiện đã đình lại để tránh ảnh hưởng từ các chiến dịch không kích của quân đội Israel.

Giám đốc khu vực các quốc gia Arab tại ILO - bà Ruba Jaradat đánh giá: "Tại Dải Gaza, các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước, trường học, các cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh đã bị phá hủy. Tình trạng này đã làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế cũng như thị trường lao động tại đây, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống và sinh kế của người Palestine trong nhiều thế hệ kế tiếp."

Các ước tính của ILO và PCBS cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng có thể gây tổn thất về thu nhập của người lao động 21,7 triệu USD/ngày tại các vùng lãnh thổ Palestine. Nếu tính cả tổn thất của người lao động trong khu vực công, con số này có thể tăng lên 25,5 triệu USD/ngày.

Theo ILO, tổ chức này đang phối hợp với các cơ quan khác của Liên hợp quốc (LHQ) giới thiệu chương trình cứu trợ, đánh giá và phục hồi gồm 3 giai đoạn để hỗ trợ các gia đình người lao động, cũng như người sử dụng lao động tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. ILO đã kêu gọi quyên góp 20 triệu USD để tài trợ cho kế hoạch này.

Bà Jaradat cho biết cuộc xung đột tại Gaza đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tồi tệ chưa từng có.

Bà nêu rõ: "Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để cung cấp cả cứu trợ ngay lập tức và hỗ trợ lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với những người lao động và người sử dụng lao động Palestine bị ảnh hưởng."

Theo ước tính của PCBS, với các hoạt động kinh tế bị đình đốn, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đã giảm 1/3 trong quý 4/2023, với mức giảm hơn 80% được ghi nhận ở Dải Gaza và 22% ở Bờ Tây.

Nếu xung đột tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, GDP của Dải Gaza và Bờ Tây sẽ giảm thêm 15 điểm phần trăm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục