Xung đột Hamas-Israel: Hàng viện trợ vào Bắc Gaza bị chặn hoàn toàn

Hàng viện trợ vào phía Bắc Gaza “hiện bị phong tỏa hoàn toàn,” trong lúc có thêm hàng trăm người thiệt mạng do giao tranh tái diễn sau khi lệnh ngừng bắn Israel-Hamas hết hiệu lực hồi đầu tháng 12.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 1/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 1/12/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) ngày 4/12 cho biết các đội cứu trợ chỉ hoạt động “rất giới hạn” ở Gaza, riêng hàng viện trợ vào phía Bắc Gaza “hiện bị phong tỏa hoàn toàn.”

OCHA cũng cho biết có ít nhất 316 người ở Gaza thiệt mạng trong khoảng thời gian từ chiều 2/12 đến chiều 3/12, trong bối cảnh giao tranh tái diễn sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas hết hiệu lực hồi đầu tháng này. Israel đã mở các cuộc tấn công lớn từ trên không, trên bộ và trên biển.

Trong khi đó, Cơ quan Cứu trợ Người Tị nạn Palestine (UNRWA) xác nhận người dân ở thành phố Rafah (Nam Gaza) buộc phải chạy nạn do các đợt không kích từ Israel.

Ông Thomas White - người đứng đầu UNRWA tại Dải Gaza - cho biết cơ quan này chưa biết hỗ trợ ra sao những người dân đang khẩn cầu được hướng dẫn tìm nơi an toàn.

Hiện có khoảng 1,8 triệu người sống ở Gaza sau khi quân đội Israel công bố lệnh yêu cầu cư dân dời khỏi phía Bắc Dải Gaza hồi giữa tháng 10.

Israel yêu cầu WHO chuyển vật tư y tế khỏi Nam Gaza

Trong diễn biến liên quan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 4/12 cho biết quân đội Israel đã yêu cầu cơ quan thuộc Liên hợp quốc này "dọn sạch vật tư" tại một kho hàng viện trợ ở miền Nam Gaza để đề phòng nguy cơ các cuộc tấn công trên bộ sẽ ảnh hưởng tới địa điểm này.

Tuyên bố đăng trên X của ông Tedros nêu rõ: “Hôm nay, WHO đã nhận được thông báo từ Lực lượng Phòng vệ Israel rằng chúng tôi nên chuyển vật tư khỏi kho y tế của chúng tôi ở Nam Gaza trong vòng 24 giờ, do các hoạt động trên bộ sẽ khiến số vật tư đó không thể sử dụng được.

Chúng tôi kêu gọi Israel rút lại yêu cầu này và thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả bệnh viện và cơ sở nhân đạo.”

Theo WHO, số bệnh viện đang hoạt động ở Dải Gaza đã giảm từ con số 36 xuống 18 trong vòng chưa đầy 60 ngày. Trong đó, ba bệnh viện chỉ cung cấp dịch vụ sơ cứu cơ bản và các bệnh viện khác cung cấp dịch vụ một phần. Tại Nam Gaza hiện chỉ còn 12 bệnh viện đang hoạt động.

Tại cuộc họp báo trước đó trong ngày 4/12, Giám đốc WHO tại khu vực Đông Địa Trung Hải - ông Ahmed al-Mandhari cho biết việc tăng cường các hoạt động quân sự trên bộ ở khu vực Nam Gaza có nguy cơ tước đi quyền được chăm sóc sức khỏe của hàng nghìn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục