Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 13/12, thiệt hại kinh tế của cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza đối với các nước láng giềng Arab bao gồm Liban, Ai Cập và Jordan có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD trong năm nay và đẩy hơn 230.000 người vào cảnh nghèo đói.
Cuộc xung đột này xảy ra vào thời điểm ba nước Arab nói trên phải đối mặt với áp lực tài chính, tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng thời cản trở các khoản đầu tư rất cần thiết, cũng như ảnh hưởng đến tiêu dùng và thương mại.
Trong khi đó, Liban là quốc gia phải chịu nhiều áp lực vì đang phải gồng mình chống chịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Nghiên cứu do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện cho biết xung đột có thể gây thiệt hại lên tới 10,3 tỷ USD, hoặc tương đương 2,3% GDP, cho các quốc gia trên và con số này có thể tăng gấp đôi nếu xung đột kéo dài thêm sáu tháng nữa.
Xung đột giữa Hamas và Israel: Hệ thống y tế tại Dải Gaza gần như sụp đổ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca bệnh hô hấp, tiêu chảy, chấy rận, ghẻ lở tại Gaza tăng vọt; có nguy cơ lây lan dịch bệnh vì tình trạng tụ tập quá đông đúc tại các điểm sơ tán.
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc Văn phòng khu vực các quốc gia Arab (RBAS) của UNDP, ông Abdallah Al Dardari - người đứng đầu nghiên cứu, đánh giá rằng xung đột có “một tác động lớn” đối với các nước láng giềng Arab.
Ông Dardari - nhà kinh tế và chuyên gia về tái thiết ở các khu vực xung đột, cho biết nhóm chuyên gia của ông đã liên hệ với các quỹ phát triển và các tổ chức tài chính đa phương để tìm hiểu về các kịch bản tái thiết hậu xung đột ở Dải Gaza./.