Ngày 17/7, tổ chức Quyền trẻ em (KidsRights) có trụ sở tại Hà Lan đã công bố báo cáo thường niên, trong đó đánh giá tình trạng gia tăng xung đột vũ trang trên khắp thế giới đang ngày càng làm tổn hại đến quyền trẻ em, đồng thời kêu gọi các biện pháp bảo vệ tốt hơn dành cho nhóm này.
Báo cáo nêu rõ kể từ năm 2023, các vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em đã tăng 21% trong các cuộc xung đột vũ trang, bao gồm các hành vi giết hại hoặc gây thương tật, tuyển mộ, sử dụng binh lính trẻ em, bắt cóc và từ chối hỗ trợ nhân đạo.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Việc cải thiện tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em ở khu vực Nam bán cầu và gần 1/3 các quốc gia ở Tây Âu tiếp tục bị đình trệ.
Trong khi đó, thiên tai và xu hướng di tản do biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân các quốc gia, trong đó có trẻ em.
Theo nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của KidsRights, Marc Dullaert, các cuộc khủng hoảng ngày càng tác động nghiêm trọng tới trẻ em, kéo lùi tiến bộ đã đạt được qua hàng thập kỷ.
Các cuộc xung đột vũ trang sẽ làm gia tăng các nguy cơ về sức khỏe tâm thần lâu dài ở trẻ em và thanh thiếu niên toàn cầu.
Ông cho rằng các chính phủ cần đối diện với thực tế là các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc liên quan tới quyền trẻ em như chấm dứt nghèo đói và tiếp cận giáo dục sẽ khó có thể đạt được./.
UNRWA: 625.000 trẻ em ở Gaza không được học hành trong 8 tháng qua
Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở cận Đông của LHQ (UNRWA) khẳng định trẻ em là đối tượng phải chịu tổn thương nhiều nhất trong các cuộc xung đột và chiến tranh tại Gaza.