Xung đột bùng phát khi cảnh sát giải tỏa khu cư trái phép ở Bờ Tây

Cảnh sát Israel bắt đầu sơ tán các nhà định cư mà chính quyền nước này cho là trái phép tại khu Amon​a ở Bờ Tây theo phán quyết của tòa án, song vấp phải sự phản đối của người định cư Do Thái.
Khu định cư đang được xây dựng tại Bờ Tây ngày 31/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cảnh sát Israel ngày 1/2 bắt đầu sơ tán các nhà định cư mà chính quyền nước này cho là trái phép tại khu Amon​a ở Bờ Tây theo phán quyết của tòa án, song vấp phải sự phản đối của người định cư Do Thái tại đây.

Đài truyền hình Israel đưa tin hàng nghìn cảnh sát và nhiều xe buýt đã vào Amona để tiến hành giải phóng mặt bằng tại đây.

Trước đó, quân đội đã ra lệnh cho người định cư Do Thái sơ tán trong vòng 48 giờ và chặn các ngả đường dẫn đến Amona.

Tuy nhiên, hàng trăm người định cư phản đối phán quyết trên đã biểu tình chống lại các cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Họ chặn đường vào nhà mình khi cảnh sát kêu gọi rời đi trong hòa bình. Người phát ngôn của cảnh sát Micky Rosenfeld cho biết có khoảng 600 người không phải là người định cư tại Amona đã đến đây để ủng hộ những người phải đi sơ tán.

Những người biểu tình cực hữu đã đụng độ với cảnh sát, đốt lốp xe và ném đá vào cảnh sát. Ít nhất 20 cảnh sát bị thương nhẹ. 13 người biểu tình quá khích bị bắt giữ.

Khu định cư Amona nằm ở phía Đông thành phố Ramallah, do những người Israel cực hữu xây dựng trên đất tư nhân của người Palestine mà không xin phép chính quyền.

Có khoảng 100 khu định cư như vậy ở Bờ Tây và các khu định cư này được coi là các tiền đồn Do thái.

Chính phủ Israel coi các khu định cư này là bất hợp pháp. Ngoài ra, có 120 khu định cư mà Chính phủ Israel coi là hợp pháp, trong khi cộng đồng quốc tế coi tất cả các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp vì xây dựng trên phần đất bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967.

Việc phá dỡ các khu định cư dẫn đến những phản ứng quá khích của người định cư, trong đó có đụng độ với lực lượng an ninh và các vụ tấn công của người Israel nhằm vào người Palestine và tài sản của họ.

Trong nhiều tháng qua, việc di dời khu định cư Amona đã trở thành vấn đề "nóng" trên chính trường cũng như xã hội Israel.

Tòa án tối cao Israel năm 2014 đã ra phán quyết các nhà định cư tại Amona phải di dời. Tòa sau đó đã ấn định hạn chót vào ngày 8/2/2017 để giải tỏa khu vực này.

Đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua chính phủ Israel tiến hành sơ tán người định cư khỏi một tiền đồn Do Thái.

Để xoa dịu những người phải sơ tán, ngay trước khi tiến hành công tác giải tỏa Amona, chính phủ Israel đã thông báo kế hoạch xây dựng 3.000 nhà định cư mới ở các khu vực khác của Bờ Tây.

Đây là dự án xây dựng nhà định cư đầu tiên của chính phủ Israel tại Bờ Tây kể từ những năm 1990 đến nay.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết dự án xây nhà định cư mới này nhằm tái định cư người Israel phải di dời khỏi Amona.

Phản ứng trước kế hoạch xây nhà định cư mới của Israel, Liên hợp quốc ngày 1/2 bày tỏ lo ngại.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric lên tiếng "cảnh báo các hành động đơn phương có thể ngăn cản giải pháp hai nhà nước, đồng thời kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán hữu ích trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế."

Cùng ngày, Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cảnh báo động thái của Israel đánh dấu "một xu hướng rất đáng lo ngại," đặt ra thách thức trực tiếp đối với triển vọng giải pháp hai nhà nước bền vững.

Bà Mogherini nhấn mạnh EU kịch liệt phản đối chính sách này và rất tiếc vì Israel xúc tiến kế hoạch này bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Bà cũng nêu rõ EU khẳng định giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán là cách duy nhất để đạt được nguyện vọng chính đáng của các bên và đạt hòa bình bền vững.

Trong phản ứng của mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas​ đã chỉ thị các nhà ngoại giao cấp cao của Palestine xúc tiến vận động hậu trường chống lại kế hoạch xây nhà định cư của Israel trên các phần lãnh thổ của Palestine.

Ông chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao Reyad al-Malki và đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc "tìm các cách thức phù hợp để ngăn chặn sự xâm lược của Israel và chấm dứt hoạt động xây dựng nhà định cư chưa từng thấy này."

Trong một thông cáo báo chí, trợ lý của Tổng thống Abbas, ông Nabil Abu Rdineh cho biết các nhà ngoại giao Palestine sẽ tiến hành tham vấn ngay lập tức với các đối tác quốc tế, trong đó có các nước châu Âu và Arab, nhằm phản ứng về kế hoạch của Israel.

Ông Rdineh khẳng định: "Israel đang đùa với lửa và sẽ phải chịu trách nhiệm," đồng thời chỉ trích sự im lặng của Mỹ "đang khuyến khích chính phủ Israel tiếp tục các hoạt động xây dựng nhà định cư." 

Đây là thông báo thứ tư của Israel về xây dựng nhà định cư trong chưa đầy 2 tuần kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.

Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat nhận định chính phủ Israel "đang chôn vùi giải pháp hai nhà nước," và cho rằng "dường như Chính phủ Israel đã nhận được sự ủng hộ ngầm của chính quyền Trump."

Ông Erekat cho biết "lựa chọn cuối cùng đối với Palestine là kiện ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại La Hay (Hà Lan)."

Tháng 1 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2334 lên án hoạt động xây nhà định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động này và giải quyết mọi vấn đề xung đột thông qua các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục