Việt Nam và Panama là hai quốc gia có nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực về logistics, thương mại điện tử.
Mặc dù vậy, kim ngạch thương mại 2 chiều vẫn còn khiêm tốn, cần được đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, xúc tiến thương mại.
Thông tin này được hai bên nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Panama Erika Mouynes nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Buổi làm việc nhằm trao đổi về tình hình hợp tác song phương, thảo luận các giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư và trao đổi về kế hoạch tổ chức Kỳ họp lần II Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Panama.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Panama thời gian qua; đồng thời ủng hộ và tin tưởng Panama sẽ tiếp tục phát triển năng động, đóng vai trò là một trung tâm tài chính, dịch vụ, logistics và thương mại hàng đầu của khu vực và thế giới.
Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về tăng trưởng trao đổi thương mại hai chiều tăng cao trong năm 2021, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 467,04 triệu USD (tăng 45,9% so với năm 2020).
[Panama mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam]
Lãnh đạo Bộ Công Thương mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Panama trở thành cầu nối, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh, Caribe.
Ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ để hàng hóa Panama vào thị trường Đông Nam Á, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác về logistics, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, phát huy vai trò của kênh đào, cảng biển của Panama cũng như vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu - một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất trên thế giới.
Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại song phương tương xứng với tiềm năng và cơ hội sẵn có, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên phối hợp, thúc đẩy các hoạt động thông tin tuyên truyền để giới thiệu, quảng bá tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư song phương, đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Panama.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Panama Erika Mouynes khẳng định buổi làm việc này là chất xúc tác quan trọng để hai bên xích lại gần nhau trong quan hệ hợp tác nhiều mặt. Bộ Ngoại giao Panama sẽ phối hợp với Bộ Công Thương Panama thúc đẩy triển khai các nội dung mà hai bên đã trao đổi và thống nhất.
Bộ trưởng Ngoại giao Panama Erika Mouynes cho rằng hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy thương mại song phương.
Phía Panama nhất trí trong thời gian tới hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư song phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, tiếp cận thị trường của nhau.
Hai bên khẳng định vai trò và tầm quan trọng của cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Panama trong việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy tổ chức Kỳ họp lần II Ủy ban Hỗn hợp trong năm 2022 tại Hà Nội./.