Trong lúc các doanh nghiệp Việt gặp khó do dịch COVID-19 gây ra, thị trường thương mại điện tử được coi là "cứu cánh" giúp các doanh nghiệp xoay chuyển tình thế, đồng thời còn mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã nắm bắt kịp thời thời cơ triển khai thành công sàn thương mại điện tử Vỏ sò (Voso.vn) với mục tiêu “nâng tầm nông sản Việt, biến nông sản thành đặc sản.”
Sàn thương mại điện tử đặc sản
Nắm bắt thời cơ, Viettel Post đã nhanh chóng lên kế hoạch xây dựng sàn thương mại điện tử make in Việt Nam. Như một "cánh tay phải của người khổng lồ," Viettel Post đặt ra mục tiêu đưa sàn thương mại điện tử Vỏ Sò trở thành sàn đặc sản số 1 Việt Nam.
Theo đó, Vỏ Sò tạo lợi thế cạnh tranh cho Viettel Post bằng việc nhập được hàng từ đầu nguồn, không qua các khâu trung gian đảm bảo giá bình ổn cho khách hàng cũng như chất lượng nông sản cung cấp.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho biết thế mạnh của Viettel Post là có mạng lưới bưu cục trải khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với 1.300 bưu cục, 6.000 điểm giao dịch, 2.500 cửa hàng, 18.000 nhân viên bán hàng trực tiếp. Viettel Poss có khả năng tiếp cận được tận nơi, tận gốc các vườn, nông trại, hộ sản xuất để lấy được nguồn hàng chất lượng cao với giá gốc tại vườn.
Không chỉ nâng tầm nông sản Việt, Vỏ Sò còn hướng đến hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, thay đổi dần trong ý thức kinh doanh. Quan điểm của Vỏ Sò là nội địa không phải kênh bán hàng duy nhất, thương lái cũng không phải là kênh trung gian duy nhất. Mà giờ đây người bán có nhiều sự lựa chọn hơn thông qua chuyển đổi số. Họ được làm quen với sàn thương mại điện tử - nơi tự làm chủ một gian hàng số của riêng mình.
Ra mắt từ tháng 7/2019, hiện tại sàn có hơn 150.000 gian hàng, gần 500.000 sản phẩm, hơn 700.000 khách hàng mua sắm thường xuyên. Bên cạnh đó, Vỏ Sò giúp chuyển đổi số cho gần 9.000 hộ nông dân toàn quốc, hàng chục chiến dịch hỗ trợ bà con, tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản.
Doanh thu giao dịch trên sàn năm 2020 tăng trưởng 15% so với năm 2019, trở thành sàn thương mại điện tử Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công nông sản ra thị trường nước ngoài theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng hành với người dân thông qua các chương trình và chiến dịch ý nghĩa, trong vòng nửa năm đầu 2021, Vỏ sò đã kết nối tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản, đặc sản trên cả nước; trong đó, phải kể đến các chương trình vải thiều Bắc Giang, hành tím Sóc Trăng, khoai lang tím Vĩnh Long…
Vỏ Sò đã hỗ trợ người dân Hải Dương tiêu thụ 120 tấn rau củ quả vào tháng Tư vừa qua, cùng Sóc Trăng tiêu thụ hơn 120 tấn hành tím trong tháng Năm vừa qua. Tới mùa vải thiều, Vỏ Sò đã tiêu thụ 4.903 tấn vải thiều Bắc Giang.
Cũng trong tháng 6/2021, Vỏ Sò cùng Viettel Post đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu nông sản ra nước ngoài với hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sàn thương mại điện tử của Việt Nam. Có 3 lô vải thiều chính gốc Bắc Giang đã được xuất khẩu đến châu Âu và phục vụ kiều bào Việt tại 3 thị trường của Liên minh châu Âu gồm Đức, Bỉ, Cộng hòa Séc với hơn 1.000 đơn hàng.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là một trong những hướng đi mới cho nông sản Việt. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Hướng tới kênh thương mại điện tử toàn diện
Gần đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Viettel Post và Vỏ Sò đã triển khai chương trình thực phẩm bình ổn lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh các chợ đầu mối đóng cửa, vận tải trì trệ tại các chốt kiểm soát dịch.
[Đơn hàng qua sàn thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao]
Đã có 34 điểm bán hàng bình ổn giá được mở trên 18 quận huyện thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để người dân tiếp cận với rau, củ, quả tươi dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Vỏ Sò cũng có gian hàng dành riêng cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh mua hàng với ưu đãi đồng giá vận chuyển chỉ 15.000 đồng.
Cũng theo ông Trần Trung Hưng Tổng Giám đốc Viettel Post, thời điểm hiện tại, Vỏ Sò đã cung ứng được hơn 1.700 tấn hàng nhu yếu phẩm cho các tỉnh, thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, Vỏ Sò có thể cung ứng cho thị trường 300 tấn/ngày.
Định hướng của Vỏ Sò sẽ là kênh thương mại điện tử toàn diện, cũng sẽ là “chợ” mua bán các món hàng từ thiết yếu cho đến xa xỉ, hỗ trợ tối đa người mua và người bán trong lĩnh vực vận chuyển (logistics).
Điểm mạnh của Vò Sò chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ trong việc giao hàng và thanh toán. Với việc sở hữu mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp cả nước, Vỏ Sò giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân có thể tìm kiếm thêm một nguồn thu nhập thụ động, tạo doanh thu đột phá với mạng lưới giao hàng COD (thu hộ) trên toàn quốc. Ngoài ra Vỏ Sò sử dụng chiến lược khác biệt hóa bằng cách "đánh mạnh" vào nông sản đặc sản địa phương.
Theo ông Trung, thời gian tới, Viettel Post sẽ phối hợp cùng các địa phương để đưa 100% các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Vỏ Sò tiếp tục làm việc với các hộ sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn cách thức lên sàn thương mại điện tử để sàn Vỏ Sò như một chợ đầu mối cho toàn dân cũng như đảm bảo được luồng thông suốt hàng hóa, đầu ra nông sản cho nông dân ngay cả trong mùa dịch.
Đây cũng là một trong những hoạt động mà Viettel Post chú trọng để hiện thực hóa sứ mệnh đồng hành cùng người nông dân Việt Nam, nâng tầm sản vật Việt tương xứng với chất lượng vốn có.
Đồng thời giải quyết bài toán kết nối trực tiếp người cung cấp và người tiêu dùng để người cung cấp có được mức thu nhập tốt nất còn người tiêu dùng cũng được sử dụng sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý./.