Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang thuận lợi để phát triển những vùng trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh, được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Được mệnh danh là “Vương quốc trái cây,” tỉnh hiện có trên 77.700ha vườn trồng cây ăn quả mỗi năm cho sản lượng thu hoạch gần 1,6 triệu tấn quả các loại với nhiều đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm (dứa) Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim...
Giá trị sản xuất ngành trồng cây ăn quả năm 2018 của Tiền Giang đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm đến 61% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp địa phương.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh, đón đầu cơ hội mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tiền Giang tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng chuyên canh tạo nguồn nông sản hàng hóa lớn tham gia thị trường; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích nông dân áp dụng quy trình canh tác Viet GAP, Global GAP nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc.
Hiện diện tích chuyên canh dứa toàn tỉnh đạt trên 16.000ha, sầu riêng 9.200ha, thanh long 7.000ha, xoài hơn 4.000ha, mãng cầu xiêm gần 1.000ha, xơri Gò Công 300ha…
Trong số này có trên 600 ha cây ăn quả đặc sản được công nhận đạt tiêu chí Viet GAP, Global GAP.
Theo ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tiềm năng phát triển cây ăn quả lớn nhưng để phát huy được thế mạnh này cần giải quyết đầu ra, tạo nguồn tiêu thụ ổn định cho trái cây đặc sản.
[Xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ]
Đặc biệt là chiến lược xúc tiến thương mại trên cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu; kết hợp với chế biến, sơ chế đưa ra thị trường nhằm khai thác tốt giá trị gia tăng mà ngành hàng trái cây mang lại.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa chia sẻ, tỉnh đã có những bước đi cụ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với liên kết tiêu thụ nông sản trên thị trường trong ngoài nước thông qua việc tham gia nhiều hội chợ quốc tế; liên kết hoặc ký hợp đồng tiêu thụ mặt hàng trái cây chủ lực nhiều thị trường lớn trong nước...
Với Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Tiền Giang đã ký thỏa thuận hợp tác về sản xuất, tiêu thụ trái cây, thủy sản an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020; hàng năm cung ứng từ 26.000-30.000 tấn trái cây các loại.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, hợp tác xã của Tiền Giang cũng kết nối cung cầu, cung ứng nông sản chủ lực cho các nhà phân phối lớn, giàu tiềm năng như Siêu thị Big C, Lotte Mart, Citi Mart, Siêu thị Á Châu...
Đầu năm 2019, Tiền Giang hợp tác cùng Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh lên phục vụ trên suất ăn thương gia trong các chuyến bay quốc tế và nội địa...
Sự kiện này giúp quảng bá các loại trái cây đặc sản của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ đưa thêm nhiều loại trái cây đặc sản theo mùa, có thương hiệu, uy tín, an toàn thực phẩm lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, mở ra cơ hội lớn cho trái cây Tiền Giang.
Đối với thị trường ngoài nước, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, bưởi da xanh,… là mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Nhờ xuất khẩu, nông sản có giá, nông dân thu nhập đạt từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng trên mỗi ha canh tác.
Từ chỗ khó khăn, đến nay, nhiều hộ dân tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, vươn lên làm giàu sau vài năm gắn bó với cây trồng đặc sản.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực xúc tiến thương mại, xuất khẩu trái cây Tiền Giang hiệu quả. Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và chế biến nông sản Cát Tường - doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của tỉnh với sản phẩm thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc và một số nước khác.
Trong tháng 12/2017, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh long trọng tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên vào thị trường Mỹ.
Sự kiện mở ra cơ hội mới cho trái vú sữa lò rèn Vĩnh Kim của Tiền Giang, vốn được công nhận ngon nhất trong các giống vú sữa hiện có.
Niên vụ 2019 - năm thứ hai sau sự kiện lô vú sữa lò rèn Vĩnh Kim của Tiền Giang lần đầu tiên được chấp nhận nhập khẩu vào Mỹ thì toàn tỉnh đã xuất thêm trên 115 tấn quả nữa sang thị trường này.
Cùng đó là xoài, bưởi và nhiều trái cây đặc sản khác tiếp tục thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu khó tính...
Điều này cho thấy xúc tiến thương mại trái cây đang mang lại hiệu quả. Năm 2018, tỉnh xuất khẩu được 10.522 tấn trái cây các loại, đạt kim ngạch 17,2 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 20,11% về giá trị.
Hiện sản lượng trái cây Tiền Giang lớn, có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong ngoài nước ưa chuộng nhưng về lượng xuất khẩu chưa tương xứng.
Trái cây Tiền Giang vẫn phải đối mặt với thách thức rất lớn cần phải vượt qua đó là đa phần lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch không còn thuận lợi và xuất khẩu chính ngạch cũng phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, đòi hỏi khắt khe phải tuân thủ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, để tháo gỡ vướng mắc, đưa trái cây Tiền Giang hội nhập thị trường, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Sản xuất được tổ chức lại theo hướng sắp xếp hợp lý mùa vụ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành thực hiện hiệu quả đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến; trong xúc tiến thương mại quan tâm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; rà soát thị trường trong ngoài nước, dự báo thông tin thị trường định hướng cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể và nông dân cũng như nâng cao hiệu quả mô hình liên kết tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, tỉnh cũng tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã... tham gia các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông kênh tiêu thụ nông sản hàng hóa; đưa thương hiệu trái cây Tiền Giang vươn xa./.