Xúc tiến thành lập nhóm hợp tác trong sản xuất và chế biến cacao

Theo Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam, năm 2019 sẽ tập trung cho hoạt động trọng tâm là tăng cường xúc tiến thành lập các nhóm hợp tác trong sản xuất và chế biến cacao.
Xúc tiến thành lập nhóm hợp tác trong sản xuất và chế biến cacao ảnh 1Cây cacao trồng xen trong vườn dừa của một hộ nông dân ở Bến Tre đang cho thu hoạch. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngày 5/12, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 và bàn giải pháp nhằm khắc phục khó khăn để phát triển ngành cacao một cách bền vững năm 2019 và các năm tiếp theo.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong các năm qua, diện tích cacao cả nước liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn khoảng 5.833ha, giảm gần 50% so năm 2017 trong khi thực tế nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì diện tích hiện có, phát triển diện tích trồng mới xen với điều, dừa, cây ăn quả tại những vùng tập trung có điều kiện sinh thái, đất đai, quy mô nông hộ đủ lớn và thích hợp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung thông qua liên kết sản xuất với nông dân.

Theo Cục Trồng trọt, xác định doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt phát triển sản xuất cacao theo hướng thâm canh, chất lượng, sản xuất chứng nhận thương hiệu.

Mặt khác, khuyến khích và nhân rộng những mô hình sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cacao của các doanh nghiệp, công ty trong nước.

[Diện tích, năng suất và sản lượng ca cao tại Đắk Lắk giảm mạnh]

Một số giải pháp quan trọng được đề xuất nhằm khắc phục khó khăn, phát triển cacao bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đó là quy hoạch, rà soát và đánh giá thực trạng tình hình phát triển cacao tại các địa phương, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ trong quá trình thâm canh, gắn kết thu mua và quản lý chất lượng hạt cacao, có các cơ chế chính sách phát triển gắn với tổ chức lại sản phẩm và tiêu thụ cacao một cách hiệu quả…

Cục Trồng trọt cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển giống cacao dài hạn, đến năm 2030; trong đó, tập trung vào nhập nội, lai tạo chọn lọc các giống tốt có chất lượng và năng suất cao vừa có khả năng kháng bệnh thối trái do nấm Phytophthora…

Đối với các tỉnh có trồng cacao cần có biện pháp thúc đẩy phát triển cacao phù hợp đồng thời vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm hỗ trợ vốn, đất đai, thuế… khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cacao tập trung, xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất gắn với đầu tư chế biến sâu, tạo các sản phẩm cacao tốt, tăng giá trị gia tăng để nâng giá thu mua hạt cacao trong cả nước giúp ngành cacao ổn định và phát triển.

Còn theo Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên cơ sở thực trạng phát triển cây cacao và sản phẩm cacao, trong năm 2019 tập trung cho các hoạt động trọng tâm: tăng cường xúc tiến thành lập các nhóm hợp tác trong sản xuất và chế biến cacao.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng chuyển giao kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cacao cho nông dân vùng sản xuất tập trung.

Mặt khác, tăng cường thông tin tuyên truyền về cacao thông qua các hội thảo, tập huấn, diễn đàn khuyến nông ở các tỉnh và khu vực.

Ngoài ra, Ban Điều phối phát triển cacao Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của Câu lạc bộ cacao Asean (ACC) cũng như các quốc gia có thế mạnh vể cacao, các tổ chức quốc tế liên quan khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm về trồng, tiêu thụ, chế biến cacao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục