Xúc tiến quảng bá du lịch Việt từ các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia

Trong “cái khó” của công tác xúc tiến quảng bá, du lịch Việt Nam vẫn “ló cái khôn.” Đó là việc tận dụng được sức ảnh hưởng từ các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia khá sôi nổi thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đi càphê, ngắm cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tranh thủ các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia để xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam là một trong những cách làm được các chuyên gia trong ngành du lịch đánh giá tích cực thời gian qua. Mặc dù thực tế công tác xúc tiến của ngành công nghiệp không khói nước nhà vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, song với nguồn kinh phí ít ỏi, đây được coi là giải pháp “liệu cơm gắp mắm” khá hiệu quả nhằm thu hút khách quốc tế.

Trong “cái khó, ló cái khôn”

Theo Chủ tịch Lux Group, ông Phạm Hà, để phát triển ngành du lịch thì sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế chính sách và đặc biệt hoạt động xúc tiến du lịch là những yếu tố quan trọng. Đáng tiếc, trong thời gian dài, hoạt động xúc tiến du lịch tại Việt Nam vẫn là điểm yếu.

“Chúng ta chưa định vị được thương hiệu du lịch quốc gia và chưa thể hiện được câu chuyện về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực và con người một cách sâu sắc và chuyên nghiệp. Các quỹ du lịch cũng chưa được sử dụng hiệu quả, trong khi Việt Nam không tham gia vào các sự kiện lớn như ITB Berlin [hội chợ thương mại du lịch lớn nhất thế giới diễn ra thường niên vào tháng 3, tại Berlin-pv] và WTM [hội chợ du lịch thường niên lớn thứ hai thế giới, diễn ra tại London-pv],” ông Hà nói.

Chính vì không thể mang hình ảnh đẹp đẽ của mình đến quảng bá ở những trung tâm hội chợ ngành lớn nhất thế giới như vậy nên du lịch đã vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng, bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút khách quốc tế đến và để “dòng tiền Xanh” chảy vào túi các quốc gia khác.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí, trong đóng góp giá trị gia tăng GDP của ngành du lịch phần lớn là do khách du lịch quốc tế mang lại, khách nội địa đóng góp rất ít.

Du khách quốc tế thích những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên khi tới Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

“Mọi người cảm giác khách đi du lịch nội địa càng nhiều thì kinh tế đất nước càng phát triển, thực chất không phải vậy, mà cần phải có khách quốc tế vào. Tất cả các quốc gia trên thế giới muốn tăng đóng góp về kinh tế của du lịch thì phải đặt mục tiêu thu hút khách quốc tế vào. Bởi doanh thu đơn thuần từ khách du lịch nội địa tác động rất ít vào giá trị gia tăng của ngành,” ông Trí cho biết.

Giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, để thu hút lượng khách quốc tế đến, trong “cái khó” của công tác xúc tiến quảng bá, du lịch vẫn “ló cái khôn.” Đó là việc tận dụng được sức ảnh hưởng từ các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia khá sôi nổi thời gian qua.

Khi hình ảnh các nguyên thủ gắn với quảng bá du lịch

Năm 2023 được đánh giá là năm rất thành công của các hoạt động ngoại giao với nhiều hoạt động sôi nổi. Không chỉ là việc đón tiếp nguyên thủ của các quốc gia lớn đến ký kết những hoạt động chiến lược hợp tác toàn diện song phương mà còn nhiều hoạt động ngoại giao khác, như tranh thủ các dịp lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước. Qua đó hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên khắp thế giới.

Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan cho hay: “Sau những chuyến đi của các nguyên thủ, với những hoạt động ngoại giao tích cực, chúng tôi nhận được thông tin là rất nhiều thị trường khách xa xôi bắt đầu tìm hiểu và kết nối đưa khách tới Việt Nam. Tôi cho rằng hình ảnh nguyên thủ của chúng ta tiếp đón ngoại giao nguyên thủ các nước gắn nhiều với quảng bá du lịch.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thân tình mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà, thưởng thức ba loại trà thượng phẩm của Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bởi trước đây, thật khó có thể có hình ảnh như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko uống càphê, ngắm cột cờ Hà Nội, cùng đi xe đạp dạo phố Hà Nội hay hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thân tình mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà, thưởng thức ba loại trà thượng phẩm của Việt Nam…

Rõ ràng những hình ảnh đó mang tính quảng bá đậm nét cho con người, đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và hiếu khách, góp phần thu hút khách quốc tế đến.

Ông Nguyễn Công Hoan nhận định: “Đấy là điều kiện cần, còn để đủ thì rõ ràng còn nhiều việc chúng ta phải làm, từ xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá hay hoàn thiện hơn các thủ tục nhập cảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách, kết nối tốt hơn giữa du lịch và hàng không… Bởi chúng ta không thể chờ đợi để 20 triệu lượt khách và hơn thế tự đến nhà.”

Đại diện Flamingo thông tin trong năm 2023, riêng Flamingo Đại Lải, Flamingo Cát Bà có tỉ lệ lấp đầy phòng tốt, khách có mức chi tiêu cao hơn những năm trước, thời gian lưu trú lâu hơn và lượng khách quay trở lại nhiều hơn.

Để đạt được kết quả này doanh nghiệp đã luôn tự làm mới mình với quy định mỗi tháng phải có một sản phẩm mới, dịch vụ mới, điểm hấp dẫn mới để truyền thông, quảng bá, hấp dẫn du khách.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Trí cho rằng doanh nghiệp muốn thu hút khách quốc tế đến, cần một là sản phẩm, hai là thị trường, ba là chất lượng dịch vụ. “Cụ thể ở đây là phải có sản phẩm hấp dẫn để đi chào bán, quảng bá ở các thị trường nước ngoài, chứ ngồi nhà thì bán cho ai, nói ai nghe,” ông Trí nói./.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko trong không gian Bảo tàng Quân sự trước khi thưởng thức càphê và ngắm cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục