Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc

Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá Du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc nhằm tăng cường kết nối vùng miền; làm sâu sắc thêm chất lượng kết nối vùng Tây Bắc-Tây Nam Bộ thông qua quảng bá sản phẩm du lịch.
Các tỉnh vùng Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long ký kết hợp tác. (Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai)

Chiều 21/9, tại thành phố Lào Cai, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Tây Bắc.

Hội nghị nhằm tăng cường kết nối vùng miền; làm sâu sắc thêm chất lượng kết nối vùng Tây Bắc-Tây Nam Bộ thông qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch phát huy lợi thế tiềm năng để du lịch của cả 2 vùng cùng cất cánh.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước, có hệ sinh thái du lịch đa dạng, đặc sắc với đặc trưng văn hóa tiêu biểu gắn với sông nước; nơi hội tựu của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, nhiều lễ hội lớn nhỏ trong năm và đa dạng về kiến trúc tôn giáo lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ.

Vùng đất Tây Bắc có tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Cùng với cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong nêu rõ liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay để nâng tầm khu vực của một vùng, mỗi một địa phương. Đặc biệt, trong điều kiện vùng Tây Bắc và Tây Nam Bộ có nhiều tài nguyên du lịch mang tính chất, đặc điểm khác biệt nhau: Tây Bắc với "Núi rừng hùng vĩ," Tây Nam Bộ với "Sông nước hữu tình."

[ĐBSCL kết nối với các tỉnh, thành phố miền Trung phát triển du lịch]

Năm 2022, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long đón gần 27 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch hơn 26.000 tỷ đồng, một con số ấn tượng trong phát triển.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung giới thiệu thông tin, hình ảnh, tiềm năng du lịch, nét đẹp văn hóa đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long đến với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp khu vực Tây Bắc nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút du khách đến với Đồng bằng sông Cửu Long; gặp gỡ và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến với các doanh nghiệp phía Bắc; ký kết hợp tác phát triển tour, tuyến du lịch giữa các địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, giao thông chưa đồng bộ. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc cần tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch đa dạng, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; qua đó, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.

Đại biểu đến từ các địa phương của 2 vùng miền đã trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển trong công tác quảng bá, xúc tiến, truyền thông điểm đến giữa các địa phương tham gia chương trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục