Xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu cho dược liệu Việt Nam

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng một trong những lý do khiến dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu xuất khẩu ở dạng thô.
Phơi khô vỏ quế vừa thu hoạch. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến Thương mại với hệ thống các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 có chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/9, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh với nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, ngành sản xuất đang phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Hiện nay, diện tích cây quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

Cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ông Vũ Bá Phú, các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.

[Tiềm năng lớn của dược liệu Việt Nam tại thị trường Nhật Bản]

Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm quế và cây dược liệu Việt Nam trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quế và dược liệu quan trọng trên thị trường thế giới.

Về thị trường, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc; Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh châu Âu-EU.

Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.

Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Rừng quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị, đề xuất để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Đại diện phía Thương vụ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết Ấn Độ nhập khẩu khoảng 11-12 triệu tấn gia vị mỗi năm.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Riêng năm tài chính 2022-2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.

Đáng lưu ý, quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Hiện tại, Ấn Độ nhập khẩu quế từ Việt Nam với 2 mục đích, bao gồm chế biến tiêu thụ trong nước và chế biến để xuất khẩu.

Thế nhưng, theo ông Bùi Trung Thướng, quế Việt Nam xuất khẩu sang đây chủ yếu là xuất khẩu thô. Do đó, khi sản phẩm được chế biến đều thuộc nhãn mác của Ấn Độ, Việt Nam không có thương hiệu tại đây.

Điều đáng tiếc là Việt Nam chiếm khoảng 80% lượng nhập khẩu quế của Ấn Độ nhưng lại không tạo được áp lực thị trường. Chính vì vậy, ông Bùi Trung Thướng kiến nghị doanh nghiệp nên tăng cường kết nối với đối tác Ấn Độ để học hỏi, áp dụng công nghệ chế biến quế hồi từ nước này nhằm sản xuất được sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết Pakistan cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ quế, hồi, dược liệu lớn và ổn định. Pakistan nhập khoảng 7.000 tấn năm 2022, trị giá hơn 15 triệu USD; trong đó, Việt Nam chỉ chiếm hơn 4% thị phần.

Xuất khẩu quế của Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 250% trong năm 2022, đạt 310 tấn, trị giá 665 nghìn USD. Cùng đó, xuất khẩu 501 tấn hoa hồi sang Paskistan năm 2022 với trị giá 277.000 USD, giảm 15%.

Pakistan ưa chuộng quế vỏ mỏng, hàm lượng tinh dầu thấp, giá rẻ. Còn với sản phẩm hoa hồi, nước này ưa chuộng sản phẩm có giá rẻ để làm thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Điệp Hà, các nhóm sản phẩm này muốn xuất khẩu sang Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng nhận sản phẩm Halal, riêng sản phẩm qua chế biến phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của Hoa Kỳ.

Thị trường này được đánh giá tiềm năng đối với sản phẩm quế của Việt Nam khi sau dịch COVID-19, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến sản phẩm tăng cường sức đề kháng, dễ chế chế biến tại nhà. Mặt khác, nhu cầu tinh dầu tại quốc gia này ngày càng tăng. Hoa Kỳ cũng không có quy định hạn chế nhập khẩu sản phẩm thô, tinh chế đối với cây dược liệu, bao gồm quế.

Trước tiềm năng của thị trường, ông Đỗ Ngọc Hưng kiến nghị Nhà nước, địa phương cần đảm bảo vùng nguyên liệu, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ; tăng cường liên kết doanh nghiệp-nông dân-cơ quan quản lý, nâng cao hàm lượng tinh chế sản phẩm.

Đồng thời, quảng bá giá trị quế, hồi qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và hệ thống kênh phân phối, đặc biệt tham gia hội chợ quốc tế.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng cho hay Việt Nam đã và đang xuất khẩu một số dược liệu có thế mạnh như quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... nhưng vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, mạnh ai nấy làm.

Để tham gia, cạnh tranh với thị trường dược liệu toàn cầu, cần sự đầu tư đồng bộ từ việc mở rộng quy mô, phát triển các vùng trồng dược liệu đến việc ứng dụng khoa học-công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm…

Tại thị trường Italy, một số sản phẩm như quế, hoa hồi, tiêu của Việt Nam đã vào thị trường Italy. Đầu tháng 9 vừa qua, Thương vụ đã tổ chức gian hàng, hội thảo và tham gia Hội chợ Rieti – hội chợ chuyên về đồ gia vị.

Nhiều sản phẩm quế, hoa hồi của Việt Nam đã được trưng bày tại đây, một số khách tham quan cho biết sản phẩm quế hồi của Việt Nam có chất lượng tốt, mùi thơm ngọt, một số khách đã từng du lịch tại Việt Nam tìm đến gian hàng và chia sẻ sự thích thú về ẩm thực và phong cảnh Việt Nam. Đặc biệt có nhiều vị khách nhớ hương vị món phở và cho biết sẽ dùng hoa hồi để thử nấu món phở.

Tuy nhiên, một số sản phẩm cây dược liệu có tác dụng cho sức khỏe khá phổ biến ở Việt Nam nhưng chưa được biết đến tại thị trường Italy, chẳng hạn như cây tía tô, kinh giới. Do đó, có nhiều chương trình quảng bá cấp quốc gia để những loại cây dược liệu quý này có thể được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến.

Để tiếp cận thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo các doanh nghiệp quế hồi, dược liệu có thể cân nhắc tham gia Triển lãm thực phẩm và sáng tạo quốc tế Canada (SIAL) lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Montreal vào giữa tháng 5/2024.

Đây là sự kiện thương mại lớn nhất hàng năm trong ngành công nghiệp thực phẩm ở Bắc Mỹ. Ngoài ra, tại Canada còn có Hội chợ thực phẩm dinh dưỡng CHFA. Năm 2024, hội chợ này sẽ tổ chức ở Vancouver vào đầu tháng 4.

Để mở rộng cửa ngõ cho sản phẩm quế hồi và dược liệu của Việt Nam vào Canada và châu Mỹ, Thương vụ có kế hoạch tham gia SIAL và CHFA 2024 và đang làm việc với Ban tổ chức để có mức giá ưu đãi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục