Xúc tiến hợp tác kinh tế, du lịch giữa Việt Nam với Séc và Slovakia

Ngày 11/5, Diễn đàn Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam-Séc-Slovakia đã được tổ chức tại Cung Zofin ở thủ đô Prague, Cộng hòa Séc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế-du lịch Việt Nam tại Cộng hòa Séc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Prague, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Cộng hòa Séc, ngày 11/5, Diễn đàn Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam-Séc-Slovakia đã được tổ chức tại Cung Zofin ở thủ đô Prague.

Với mục tiêu kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh tế và du lịch giữa các doanh nghiệp nhằm tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam, Cộng hòa Séc và Slovakia, Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của 500 doanh nghiệp, trong đó có 100 doanh nghiệp Việt Nam, 300 doanh nghiệp Séc, 30 doanh nghiệp Slovakia và 70 doanh nghiệp đến từ Ba Lan và Hungary.

Diễn đàn do Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Liên đoàn Công nghiệp và Vận tải Cộng hòa Séc, Ngân hàng Eximbanka của Slovakia và Ngân hàng xuất khẩu Séc (CEB) phối hợp tổ chức, là một sự kiện có tầm cỡ và quy mô mang tính khu vực và cũng là cơ hội để Việt Nam giới thiệu về sự phát triển mạnh mẽ trong 30 năm đổi mới cũng như giới thiệu đến các đối tác những tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam, qua đó tăng cường xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch vào Việt Nam và ngược lại.

Các tham luận trình bày tại Diễn đàn tập trung vào chủ đề chính là giới thiệu những cơ hội đầu tư vào Việt Nam, vào Cộng hòa Séc và Slovakia, trong đó nêu bật những thuận lợi cũng như khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và du lịch giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc và với Slovakia, cũng như nhấn mạnh rằng kết quả hợp tác giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc và Slovakia chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Trong tham luận của mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà nhấn mạnh điểm thuận lợi chung cho các doanh nghiệp hiện nay là cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và hai nước Séc, Slovakia có tính bổ sung cho nhau.

Việt Nam có nhu cầu về thiết bị, máy móc, công nghệ cao trong khi Séc, Slovakia và các nước Đông Âu là những quốc gia có trình độ sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hàng đầu thế giới.

Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, giày dép, may mặc cũng là sản phẩm xuất khẩu chính và đang được ưa chuộng tại thị trường châu Âu.

Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng lớn về các tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu sản xuất các mặt hàng như pha lê, thủy tinh, trong khi Séc và Slovakia là các nước có thế mạnh trong sản xuất các mặt hàng này.

Ông Trần Bắc Hà bày tỏ tin tưởng rằng sau Diễn đàn sẽ có nhiều dự án, hợp đồng kinh tế được kết nối, triển khai, góp phần thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Séc-Slovakia nói riêng và Đông Âu nói chung.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đề xuất 3 vấn đề chính cần thực hiện nhằm tăng cường các hoạt động trao đổi khách du lịch, thu hút đầu tư kinh doanh du lịch giữa Việt Nam với Séc và Slovakia, trong đó có tăng cường du lịch trên nhiều cấp độ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với chính phủ mỗi nước cải tiến chính sách thị thực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách và các nhà đầu tư kinh doanh du lịch; đẩy mạnh hợp tác, phối hợp nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm phù hợp với đối tượng khách của mỗi nước.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc Jiri Havlicek nhấn mạnh trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều hàng năm đều tăng, năm 2013 đã vượt qua mốc 500 triệu USD.

Tính đến cuối năm 2013, Séc có trên 30 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 64 triệu USD, gồm các lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, chế biến thực phẩm, sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng, khai khoáng.

Ông Havlicek cũng nêu bật những khả năng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng (thế mạnh của Séc) đối với Việt Nam là năng lượng, khai khoáng, hạ tầng và phương tiện giao thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp môi trường, công nghiệp quốc phòng, trang thiết bị y tế bệnh viện…

Ông cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan hữu quan Việt Nam linh hoạt hơn trong cơ chế chính sách đối với các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điểm lại những thành tựu các mặt của Việt Nam trong 30 năm đổi mới và nhấn mạnh Diễn đàn là cơ hội tốt để doanh nghiệp các nước Việt Nam, Cộng hòa Séc và Slovakia cũng như một số nước khu vực Đông Âu tập trung thảo luận, chủ động tìm kiếm các đối tác để giới thiệu các thế mạnh của mình, cùng trao đổi thông tin để đi đến các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế cụ thể.

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cũng nêu rõ mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam đang ngày càng được củng cố và phát triển, là cơ sở để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.

Tổng thống Zeman cũng nêu bật sự hội nhập thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc với xã hội sở tại với việc cộng đồng người Việt Nam đã được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của Cộng hòa Séc.

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã diễn ra lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Liên đoàn công nghiệp và vận tải Cộng hòa Séc; giữa VCCI với Phòng Thương mại và Công nghiệp Cộng hòa Séc; Bản ghi nhớ giữa BIDV và Ngân hàng Eximbanka của Slovakia cũng như Bản ghi nhớ giữa BIDV và Ngân hàng xuất nhập khẩu Séc (CEB).

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, đầu tư, xây dựng, y tế, dược phẩm, du lịch, cao su… cũng đã có các cuộc tiếp xúc trực tiếp nhằm trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác cũng như những cơ hội hợp tác, đầu tư lẫn nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục