Để hướng đến xử lý chất thải rắn trên địa bàn bằng công nghệ cao, ngày 29/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại thành phố Đà Nẵng.
Trung bình mỗi ngày thành phố Đà Nẵng có khoảng 850-900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Tỷ lệ thu hồi, tái chế rác chỉ đạt khoảng từ 7-10%. Thực trạng này đặt ra cho thành phố Đà Nẵng nhiều thách thức về việc cung ứng hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải rắn.
[Lan tỏa thông điệp giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon trên cả nước]
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại thành phố Đà Nẵng được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), do Ngân hàng Phát triển châu Á là đơn vị tư vấn, chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu nhằm chọn ra nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn xử lý chất thải rắn cho thành phố.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn khi triển khai dự án và giới thiệu những giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết hiện nay, đối với việc xử lý chất thải rắn, Đà Nẵng thực hiện chôn lấp, nhưng vấn đề đảm bảo môi trường chưa giải quyết được triệt để. Chính vì vậy, để giảm thiêu ô nhiễm môi trường, Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn, huyện hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Song để dự án được triển khai theo hình thức PPP và đi vào hoạt động có hiệu quả, Đà Nẵng cần sự chung tay của các bộ, ngành trong tham vấn triển khai.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang tìm hiểu về năng lực, công nghệ xử lý của các nhà đầu tư, nhằm sớm triển khai dự án và đưa vào hoạt động, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 tiến hành thu gom, xử lý đến 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 72% được tái chế, tái sử dụng và đến năm 2030, đảm bảo thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tái chế, tái sử dụng đạt 80%./.