Xúc động ngày chia tay người lính áo trắng lên đường chi viện miền Nam

Ngày 18/8, nhiều bệnh viện Trung ương đã cử các đoàn cán bộ y tế lên đường nhằm tiếp thêm nhân lực cho các tỉnh, thành phố phía Nam điều trị bệnh nhân COVID-29 nặng.
Xúc động ngày chia tay người lính áo trắng lên đường chi viện miền Nam ảnh 1Các y bác sỹ, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản về đặt nội khí quản. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 18/8, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã điều động 11.411 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam, gồm các bác sỹ, điều dưỡng và 6.008 giảng viên, sinh viên từ các trường y.

Ngày 18/8, nhiều bệnh viện Trung ương như: Bệnh viện Phổi Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh Viện Hữu nghị; Bệnh viện K đã cử các đoàn cán bộ y tế lên đường nhằm tiếp thêm nhân lực cho các tỉnh, thành phố phía Nam điều trị bệnh nhân COVID-29 nặng.

Bệnh viện Phổi Trung ương

Ngày 18/8, Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục cử thêm một đoàn cán bộ y tế lên đường tới Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19 với mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở bệnh nhân tầng thứ 2.

Đoàn cán bộ gồm 5 thạc sỹ, bác sỹ của các khoa: Hô hấp, Lao hô hấp, Bệnh phổi mạn tính, Nội tổng hợp, khoa Nhi. Họ đều là những người có năng lực chuyên môn cao về cấp cứu, hồi sức tích cực, các bệnh suy hô hấp, viêm phổi nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng...

[Hơn 13.000 cán bộ y tế chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19]

Lực lượng này sẽ trực tiếp tham gia vận hành Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 quy mô 500 giường đặt tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Là một trong hai nữ bác sỹ tình nguyện tham gia chống dịch lần này, bác sỹ Đinh Thị Thu Hiền, khoa Bệnh phổi mạn tính, chia sẻ: “Dịch COVID-19 hiện nay diễn biến vô cùng phức tạp. Nhiều đồng nghiệp có gia đình, con cái sẽ khó khăn trong việc sắp xếp công tác xa, tôi chưa vướng bận việc gia đình nên tình nguyện tham gia chống dịch tại Đồng Nai. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng chấm dứt, để cuộc sống bình yên trở lại."

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Đồng Nai là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19.

Trung tâm có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực được phân công.

"An toàn-Vượt khó-Thành công" - là kim chỉ nam Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhắn nhủ đến đoàn công tác với hy vọng, đoàn sẽ dốc toàn lực giúp Đồng Nai điều trị tốt các ca mắc COVID-19; hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Chiến thắng đại dịch nhưng cũng không quên bảo vệ bản thân, bảo vệ an toàn tối đa cho các đồng nghiệp tuyến đầu đang mang trên mình trọng trách của quốc gia.

Bệnh viện Bạch Mai

Trưa 18/8, gần 200 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai do Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tiếp tục lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến 16, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi Bệnh viện Bạch Mai đang vận hành, quản lý Trung tâm Hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19 có quy mô 500 giường.

Đây là lần thứ 5 Bệnh viện Bạch Mai xuất quân chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 500 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện chung tay cùng đồng bào Miền Nam chiến đấu với dịch COVID-19.

Phát biểu tại Lễ xuất quân, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh biến chủng Delta đã gây ra một làn sóng vô cùng thảm khốc. “Kẻ thù vô hình” ở làn sóng thứ 4 này phức tạp hơn các lần trước rất nhiều, bởi virus tồn tại lâu trong không khí. Khả năng lây lan và truyền bệnh của đợt này rất cao, các triệu chứng xuất hiện sớm, tiến triển rất nhanh và nguy hiểm.

Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn yêu cầu các cán bộ y tế cần nâng cao ý thức về chống nhiễm khuẩn khi trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân F0; nâng cao kinh nghiệm, trình độ chuyên môn chăm sóc, tiên lượng cho bệnh nhân COVID-19 để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, giảm thiểu tối đa tử vong cho người bệnh.

Đồng thời, các cán bộ của bệnh viện cần đoàn kết, tương thân tương hỗ với các đồng nghiệp cùng thực hiện nhiệm vụ đến từ nhiều bệnh viện khác nhau, đảm bảo tất cả là một khối thống nhất, giúp cho công việc điều trị, chăm sóc người bệnh thành công.

Lời chúc dành cho Đoàn công tác trong buổi chia tay là: khỏe mạnh, chân cứng đá mềm, kiên gan bền chí, quyết tâm chiến thắng trở về.

Bệnh viện Hữu Nghị

11 giờ trưa 18/8, 30 y, bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị lên đường vào Tiền Giang chia lửa với các đồng nghiệp trong công cuộc chống dịch COVID-19.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 15 ngày qua, Bệnh viện Hữu Nghị cử đoàn bác sỹ, điều dưỡng hỗ trợ các điểm "nóng" của dịch COVID-19 tại Tiền Giang và là lần thứ 4 các cán bộ của Bệnh viện lên đường chia lửa cho các đồng nghiệp tại các tỉnh có dịch bùng phát.

Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu Nghị tới Tiền Giang lần này gồm 30 bác sĩ, điều dưỡng chuyên Khoa Cấp cứu; Hồi sức tích cực và Chống độc… đã tình nguyện lên đường vào chi viện cho Tiền Giang. Họ đều đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng, chống COVID-19 và có kết quả test COVID-19 âm tính.

Để chuẩn bị cho 30 y bác sỹ sẽ lên đường chi viện cho Tiền Giang, Đảng ủy, Ban Chấp hành công đoàn và các khoa/phòng trong Bệnh viện đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trang thiết bị, quần áo chống dịch, cho tới các nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm động viên, hỗ trợ các y bác sỹ yên tâm lên đường.

Bệnh viện đã tổ chức tập huấn, cập nhật các kiến thức công tác, chẩn đoán điều trị và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho tất cả y, bác sỹ lên đường chống dịch lần này.

Xúc động ngày chia tay người lính áo trắng lên đường chi viện miền Nam ảnh 2Tập huấn cho đội ngũ y bác sỹ các kỹ thuật liên quan đến điều trị COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị, các y, bác sỹ của Bệnh viện đã hỗ trợ Tiền Giang lập Trung tâm ICU và tham gia điều trị bệnh nhân nặng. Trung tâm ICU Tiền Giang là cơ sở điều trị COVID-19 đầu tiên thuộc tầng thứ 3 của tỉnh; đang thu dung, điều trị 90 bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch. Tính đến ngày 18/8 có 15 bệnh nhân tại đây hồi phục và được chuyển xuống các cơ sở điều trị tuyến dưới; 3 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện.

Bệnh viện K

Sáng 18/8, Bệnh viện K đã tổ chức lễ xuất quân lần 3 cử đoàn công tác gồm 25 bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện K sẽ nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu phòng chống COVID-19 tại Đồng Nai. Cán bộ tham gia đoàn công tác đã được xét nghiệm sàng lọc và tiêm phòng COVID-19 từ trước đó.

Trước đó, ngày 27/7 và ngày 01/08, 2 đoàn công tác gồm 39 cán bộ Bệnh viện K đã lên đường chi viện miền Nam, làm việc tại Bệnh viện ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở II hiện đang điều trị hồi sức cho người bệnh COVID-19 và Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, tại tỉnh Đồng Nai - Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai.

Tại Lễ xuất quân lần 3, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, đã động viên, chia sẻ, dặn dò 25 cán bộ tham gia đoàn công tác, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại phía Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân COVID-19 và giữ an toàn cho bản thân để sớm trở về trong chiến thắng.

Với tinh thần xung phong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại miền Nam, đoàn y, bác sỹ của Bệnh viện K đã có khoảng 2 tuần để tiếp tục tập huấn, đào tạo liên tục từ công tác lấy mẫu, hồi sức cấp cứu, chuẩn bị để thu xếp hành trang lên đường cho chuyến đi nhiều gian nan và không xác định trước thời gian quay về.

Là một trong những thành viên trẻ nhất trong đoàn công tác, lần đầu tiên tham gia chi viện cho công tác chống dịch tại địa phương khác, điều dưỡng Nguyễn Doãn Hưng, Khoa Nội 2 cho biết “Trước khi lên đường, tôi được các cô chú, anh chị đồng nghiệp căn dặn nhiều điều, từ việc giữ sức khỏe cho bản thân đến những kinh nghiệm khi làm việc tại vùng dịch để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhiệm vụ. Tuổi trẻ là cống hiến, với suy nghĩ đó chúng tôi lên đường với tinh thần lạc quan, không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong được đóng góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng chung của miền Nam ruột thịt."

Tiến sỹ, Bác sỹ Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K, Trưởng đoàn công tác, chia sẻ: “Nhiều đồng nghiệp của tôi đã vào miền Nam chống dịch từ trước rồi nên mọi người đều sẵn sàng góp sức trong lần dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Được sự ủng hộ của gia đình, tôi cùng các đồng nghiệp xung phong ra tuyến đầu để hoàn thành nhiệm vụ, đã xác định đi chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. Tinh thần các chiến sỹ lên đường rất phấn khởi mặc dù biết sẽ có nhiều khăn. Những người đi chi viện và những người ở lại bệnh viện đều quyết tâm sớm vượt qua đợt dịch lần này."

Rất nhiều người dân với niềm tin yêu vô hạn đã gửi đến những chiến sỹ áo trắng ở tuyến đầu chống dịch bình an, chiến thắng trở về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục