Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trên thế gian, điều quý giá nhất là mạng sống của mỗi người. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc đảm bảo an toàn giao thông để mỗi người dân khi tham gia giao thông trở về nhà an toàn, bình an.
Thông tin trên được đưa ra tại Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018 vào tối nay (ngày 23/8) ở trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[Đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông]
Phát biểu tại Lễ cầu siêu, theo Bộ trưởng Thể, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp chặt chẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tuyên truyền vận động thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ đảm bảo tính mạng, tài sản người dân xảy ra ít nhất tai nạn giao thông và đề nghị bà con, phật tử tham giao giao thông an toàn, đảm bảo hạnh phúc, bình an mỗi gia đình.
Đưa ra con số trong những năm qua số người chết giảm dưới 9.000 người và bảy tháng của năm nay, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, số người tử vong lên tới khoảng 4.700 người, Bộ trưởng Thể cam kết với sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương sẽ phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5-10%.
“Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm nay vô cùng ý nghĩa, nhân văn phù hợp với tư tưởng Đạo Phật, chủ trương của Đảng và Nhà nước,” người đứng đầu ngành giao thông bày tỏ.
Chia sẻ tai nạn giao thông để lại nỗi đau của gia đình để lại hệ lụy cho con cháu, gia đình, toàn xã hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, “Những vụ tai nạn giao thông và người tử vong vì đâu nên nỗi này? Cái đó không phải do nghiệp chướng mà là do ý thức khi tham gia giao thông. Nếu theo lời răn dạy của Phật, mỗi người phải thực hiện tham gia đúng theo Luật lệ khi tham gia an toàn giao thông với ý thức, tinh thần trách nhiệm để gìn giữ tính mạng của mình và những người khác.
Với thông điệp “Tưởng nhớ người ra đi-Vì người ở lại”, người dân và phật tử hãy tham gia giao thông an toàn, văn minh đảm bảo tính mạng cho mỗi người, hãy trân quý mạng sống của mình khi tham gia giao thông,” Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.
Năm 2018 là năm thứ bảy Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham gia cùng với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Bên cạnh buổi Lễ cầu siêu tổ chức tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thì tất cả các chùa thuộc Giáo hội trên toàn quốc sẽ đồng thời tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn vào dịp Lễ Vu Lan rằm tháng Bảy âm lịch để cùng tưởng nhớ và bày tỏ niềm xót thương với những người không may qua đời khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân yêu của họ.
Theo đó, thống nhất vào ngày 13/7 (âm lịch) hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn một trụ sở (chùa) để tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông để sự bình yên, an toàn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà khi tham gia giao thông.
Hàng năm vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch tại tất cả các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều lồng ghép lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với lễ cầu siêu của chùa.
Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn các Ban Trị sự các cấp chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông cùng cấp và gia đình, thân nhân các nạn nhân tổ chức nghi thức tâm linh tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông có người tử vong ngay sau khi xảy ra tai nạn, hướng dẫn gia đình nạn nhân và người dân quan tâm tổ chức thờ tự người thân không may tử vong do tai nạn giao thông tại gia đình và tại cơ sở phật giáo trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn, không lập am, miếu thờ tự tại hiện trường, ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông của tuyến đường…
Được biết, Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông là một trong các hoạt động chính của chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động “Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2018-2022 giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giai đoạn 2018-2022./.