Xúc động lá thư của nhà báo liệt sỹ thông tấn Nguyễn Đức Thanh

Lá thư đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng mà liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh viết gửi về gia đình là những dòng chữ đầy ắp tình yêu thương và sự quan tâm của người anh trai lớn dành cho đàn em thơ.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng ban lãnh đạo TTXVN thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong ký ức của ông Nguyễn Đức Đông, em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh, anh trai mình là một người hiền lành, hết lòng yêu thương các em, luôn có ý thức trách nhiệm giúp bố mẹ chăm lo cho các em của mình.

Lá thư duy nhất

Trong phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam hiện đang lưu giữ rất nhiều bức thư, là bút tích của các nhà báo-liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam với đầy ắp tình thương được gửi từ chiến trường. Trong số đó, có lá thư của liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh, cán bộ trung tâm ảnh-Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), hy sinh ở mặt trận Tây Thừa Thiên-Huế năm 1968.

Bức thư nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ của tủ trưng bày. Những dòng thư tay viết vội trên nền giấy ố vàng, mộc mạc nhưng chất chứa đầy tình cảm yêu thương của một người anh đi xa gửi về cho đàn em thơ ở nhà:

“Các em Đông, Dung, Lợi, Hòa, Bình, Thăng thân yêu của anh!

Lên đường đi công tác đến nay đã nửa tháng rồi, hôm nay mới viết thư cho các em được, các em thông cảm nhé. Các em thân yêu! Nửa tháng qua đoàn anh đã vượt qua một chặng đường dài dọc theo đất nước, từ Hà Nội đến Quảng Bình, rồi vượt biên giới và đến hôm nay bọn anh đang nghỉ tại đây - một cánh rừng thuộc tỉnh Savanakhet của nước Lào, sang đến nước bạn, một đất nước mà khí hậu ngày thì nắng như thiêu như đốt, đêm thì lạnh buốt xương sống, anh càng thấy yêu đất nước ta giầu đẹp, khí hậu trong lành…

Các em thân yêu! Nửa tháng qua, đoàn anh khi đi trên những con đường êm ru, đồng lúa xanh bát ngát, khi thì qua những suối, những khe, những cầu phà những đèo dốc, máy bay và pháo sáng trên đầu, rồi đạn pháo của ta ở mặt đất bắn lên, thật là một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt mà khả năng văn học của anh không thể nào tả nổi…

Các em thân yêu! Nửa tháng qua ở nhà thế nào, các em học hành ra sao, chắc vẫn tốt chứ? Cố gắng học hành cho giỏi các em nhé. Các anh hy vọng và tin tưởng ở các em nhiều đấy. Các anh ở nhà, các em đã ngoan, nay cách anh lớn đều đã đi xa, vậy các em ở nhà càng phải ngoan hơn nữa, phải nghe lời ba má để ba má vui, phải giúp ba má những công việc mà khả năng các em có thể làm được để ba má dành sức khỏe làm việc nuôi các em ăn học…"

Những dòng chữ đầy ắp tình yêu thương và sự quan tâm của người anh trai lớn dành cho đàn em thơ ấy đề ngày 30/3/1968, nửa tháng sau khi chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thanh lên đường làm nhiệm vụ.

Đó là lá thư đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh viết gửi về gia đình. Bởi sau đó chưa đầy 2 tháng¸ ngày 8/5/1968, gia đình nhận được thông báo, ông hy sinh ở mặt trận phía Tây Thừa Thiên-Huế.

Sự ra đi của chàng trai đang tràn đầy sức sống của tuổi trẻ ấy để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, người thân, bạn bè và những người đồng nghiệp cùng công tác tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam.

Tham quan Phòng truyền thống TTXVN. 

Trong những ngày tháng Bảy - tháng tri ân các anh, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh, người cán bộ trung tâm sản xuất ảnh cần mẫn năm nào.

Đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ nằm trên đường Trần Quốc Toản (Hà Nội), nơi đặt bàn thờ liệt sỹ, ông Nguyễn Đức Đông, em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh, đã kể lại cho chúng tôi nghe những ký ức tốt đẹp về người anh trai đã gắn bó và yêu thương mình hết mực.

Đi tiếp con đường các anh đã chọn

Ông Nguyễn Đức Đông kể gia đình có 11 người con, trong 8 người con trai, có 5 người ra chiến trường và 2 người trong số đó vĩnh viễn không trở về. Người anh cả Nguyễn Đức Yên, trước đó cũng là công nhân phòng ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.

Khoảng năm 1963-1964, ông Nguyễn Đức Yên được Thông tấn xã Việt Nam cử đi bộ đội, ông gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng.

Liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh là người con thứ hai trong gia đình, sinh năm 1945. Sau khi anh trai là Nguyễn Đức Yên nhập ngũ, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thanh, khi ấy vừa tròn 20 tuổi đã tiếp nối bước anh trai vào làm công nhân Trung tâm ảnh của Việt Nam Thông tấn xã.

Tháng 4/1965, ông làm việc tại T6B (nơi sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Năm 1967, ông được cơ quan điều động vào công tác tại Thông tấn xã Giải phóng khu 5. Đầu năm 1968, đoàn công tác của ông lên đường làm nhiệm vụ giữa lúc cuộc chiến đang ở vào thời kỳ khốc liệt nhất.

Ông Nguyễn Đức Đông nhớ lại: "Ngày anh trai Nguyễn Đức Thanh lên đường ra chiến trường, tôi và bố đến tận nơi đoàn xe xuất phát để đưa tiễn anh. Cả một đoàn xe commăngca chở đoàn cán bộ vào chiến trường, ai nấy đều đeo balô, đầu đội mũ tai bèo, nhìn đẹp lắm. Trước khi xe xuất phát, anh Thanh ra ôm chặt tôi và bố nói lời tạm biệt, anh dặn tôi ở nhà chăm ngoan học giỏi, nghe lời và giúp đỡ bố mẹ… Anh còn tặng tôi mấy bánh lương khô, là tiêu chuẩn anh được phát trước lúc lên đường, lúc đó tôi thích lắm, vì đối với tôi, những chiếc bánh lương khô khi đó là một món quà quý giá vô cùng. Nhưng tôi không ngờ, buổi chia tay ấy cũng là lần cuối anh em tôi gặp nhau. Bởi chỉ khoảng 2 tháng sau đó, ngày 8/5/1968, gia đình tôi nhận được tin báo, anh đã hy sinh khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ."

Trong ký ức của ông Nguyễn Đức Đông, em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh, anh trai mình là một người hiền lành, hết lòng yêu thương các em, luôn có ý thức và trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ chăm lo cho các em của mình. Không những thế, liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh còn là người chăm học và học giỏi từ nhỏ, ông đã học hết lớp 10, có một thời gian còn tham gia dạy bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho bà con trong khu phố.

“Anh Thanh thương tôi lắm, thời gian anh làm việc tại T6B ở xã Phượng Cách, cứ cuối tuần, anh lại tranh thủ đạp xe đến nơi tôi học thăm tôi. Lần nào anh cũng mang cho tôi cái gì đó, khi thì là chai nước tương cà chua anh chưng sẵn, khi lại cho túi lạc, túi muối vừng… để tôi có thêm đồ ăn. Lần nào lên thăm, anh cũng động viên và dặn dò tôi chịu khó học giỏi để sau này giúp ích cho đất nước," ông Nguyễn Đức Đông nhớ lại.

[Phóng viên Thông tấn ''tay bút, tay súng:'' Để dòng tin luôn chảy mãi]

Ông Nguyễn Đức Đông kể lại ngày ấy, khi nghe tin anh trai ông hy sinh, bố mẹ ông đau buồn lắm. Bản thân ông khi đó đang học lớp 10, cũng đã đủ lớn để hiểu được sự mất mát. Ông rất buồn và nhớ người anh hiền lành, hết mực yêu thương em của mình. Khi đó, nhà báo Hoàng Tư Trai - Phó tổng giám đốc Việt Nam thông tấn xã đã đại diện cơ quan đến tận nhà làm lễ truy điệu liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh và chia sẻ nỗi đau thương, mất mát với gia đình.

“Chỉ một năm sau khi bác Thanh hy sinh, năm 1969, gia đình tôi lại nhận được tin bác cả - Nguyễn Đức Yên cũng hy sinh trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong hai năm liền mất đi hai người con trai, bố mẹ tôi như sụp đổ, bản thân tôi cũng cảm thấy buồn và mất mát vô cùng khi mất đi hai người anh trai lớn," ông Nguyễn Đức Đông chia sẻ.

Trong niềm thương nhớ hai người anh trai đều đã hy sinh, ông Nguyễn Đức Đông quyết định nộp đơn xin vào công tác tại Việt Nam Thông tấn xã, với mong muốn tiếp tục công việc của hai người anh trai.

“Bố tôi khi đó phản đối quyết liệt bởi ông có 2 người con từ đây ra đi và đều không trở về. Nhưng tôi vẫn quyết tâm xin vào cơ quan, muốn thay các anh làm tiếp phần việc mà các anh chưa làm xong. Và tôi tự hào vì mình đã tiếp bước các anh, hoàn thành trọn vẹn công việc mà các anh của mình còn dang dở," ông Nguyễn Đức Đông chia sẻ.

Đoàn viên Chi đoàn Báo điện tử VietnamPlus dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ TTXVN. (Nguồn: Vietnam+)

Hơn 50 năm trôi qua, sự ra đi của liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh để lại những mất mát, đau thương không gì so sánh được với gia đình. Bố mẹ mất đi người con ngoan, anh chị em mất đi một người anh hiền lành…Nhưng niềm đau đáu của thân nhân liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh những năm qua là thông tin về sự hy sinh của liệt sỹ mà gia đình biết được là rất ít ỏi. Đến nay, gia đình không biết chính xác liệt sỹ hy sinh trong hoàn cảnh nào, ở đâu.

“Những năm qua, hễ có dịp đi qua những nghĩa trang liệt sỹ, tôi đều ghé vào thắp hương cho các liệt sỹ, đặc biệt là những liệt sỹ vô danh. Tôi làm việc đó với tấm lòng biết ơn chân thành và hy vọng ở đâu đó, cũng sẽ có người thắp cho anh trai tôi nén hương để anh đỡ tủi," ông Nguyễn Đức Đông bùi ngùi nói.

Ông Nguyễn Đức Đông cũng chia sẻ nhiều năm qua, cơ quan Thông tấn xã Việt Nam vẫn rất quan tâm, thăm hỏi động viên gia đình, thường xuyên đến thắp hương tri ân, tưởng nhớ liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh.

Sự quan tâm thăm hỏi, động viên của lãnh đạo cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đã an ủi, động viên gia đình rất nhiều, giúp gia đình phần nào nguôi ngoai nỗi đau này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục