Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng.
Sáu tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%.
[Kinh tế 6 tháng: Tăng trưởng dương nhờ sức mạnh tổng hợp]
Trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%.
Trong số các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD, tăng 24,2%. Hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5%. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25,2%; giày dép đạt 8,1 tỷ USD, giảm 6,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 2,4%...
Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong đó, điện thoại và linh kiện chiếm 91,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 70,4%; giày dép chiếm 77,8%; hàng dệt may 58%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 6 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, rau quả đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%; cao su đạt 606 triệu USD, giảm 27,8% (lượng giảm 25,7%); hạt tiêu đạt 365 triệu USD, giảm 19,1% (lượng giảm 2,9%).
Tuy nhiên, có các mặt hàng gạo, càphê và hạt điều tăng cả lượng và giá trị. Trong đó, gạo đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 19,3% (lượng tăng 5,6%); càphê đạt 1,6 tỷ USD, tăng 2,5% (lượng tăng 3,7%); hạt điều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 0,7% (lượng tăng 16,6%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% (do mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 127,9%). Thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, giảm 8,8%. Thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 14,2%. Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, giảm 2,3%. Hàn Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,3%.
Đối với nhập khẩu hàng hóa, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,55 tỷ USD, tăng 0,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,62 tỷ USD, giảm 5,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020 có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỷ USD (chiếm 23,1% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,9 tỷ USD, giảm 4,2%; điện thoại và linh kiện đạt 6 tỷ USD, tăng 3,7%; vải đạt 5,6 tỷ USD, giảm 15,3%; sắt thép đạt 4 tỷ USD, giảm 16,3%...
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 6 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 10%.
Thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, giảm 11,9%; Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 5,3%; Hoa Kỳ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 7,2% và thị trường EU đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,4%.
Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,7 tỷ USD); trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần có những giải pháp đối với doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
"Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay... hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh," ông Thúy nhấn mạnh.
Song song với đó, Tổng cục Thống kê cho rằng cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất.../.