Xuất khẩu trái cây: Liên tục "nâng cấp" để đáp ứng thị trường mới

Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, mở cửa xuất khẩu thêm nhiều nông sản vào thị trường mới.
Hoa quả Việt Nam được giới thiệu tại Fruit Logistica 2024, tại Trung tâm triển lãm Messe Berlin, Đức. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết xuất khẩu rau quả 5 tháng năm của năm nay đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện cả nước đang bước vào đầu giai đoạn thu hoạch chính vụ nhiều loại cây ăn quả như vải, xoài, sầu riêng, mít, nhãn, thanh long… nên nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu rất cao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao vẫn là sầu riêng, thanh long, mít, chuối…. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào.

Nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng, đặc biệt một số loại trái cây đã bước vào vụ thu hoạch chính như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… Hiện các nhà vườn ở các vùng trọng điểm trồng vải như Bắc Giang, Hải Dương… đang tích cực thu hoạch vụ vải 2024.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết do điều kiện thời tiết khí hậu không thuận lợi (rét muộn vào giai đoạn mùa Đông 2023, khi vải phân hóa hoa; cùng với mưa ẩm làm cho vải hạn chế ra hoa), sơ bộ sản lượng vải năm 2024 giảm đáng kể, đạt khoảng 200.000 tấn (giảm khoảng 50% so năm 2023, đặc biệt là địa phương có tỷ lệ giống vải thiều chính vụ cao như Bắc Giang). Giá thu mua vải ở mức cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay, tỉnh có 29.700ha vải thiều, sản lượng ước trên 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023). Năm nay Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương giới thiệu với đơn vị thu mua vải Nhật Bản về quy trình trồng và chăm sóc vải. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, tiêu thụ lớn, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Để đảm bảo chất lượng vải phục vụ xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang, đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã số vùng trồng; trong đó thị trường Trung Quốc có 130 mã số vùng trồng, Mỹ 18 mã số vùng trồng, Nhật Bản 38 mã số vùng trồng, Australia 18 mã số vùng trồng…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết đơn vị đã rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu về kiểm soát dịch hại, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, lấy 50 mẫu phân tích dư lượng đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu đi thị trường có giá trị kinh tế cao (Mỹ, Australia, Nhật Bản...); hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch.

Để nâng cao giá trị quả vải, từ đầu năm Hải Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải thiều đi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc...

Hiện huyện Thanh Hà có 500ha vải được công nhận tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm nay, huyện tiếp tục duy trì 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu, 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép. Tạo điều kiện thuận lợi cho quả vải sang Nhật Bản, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cử 2 chuyên gia kiểm dịch thực vật sang Việt Nam để theo dõi quy trình đóng gói, xử lý và cấp chứng nhận cho các lô vải thiều xuất khẩu vào Nhật Bản.

Theo yêu cầu của MAFF, vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận.

Mới đây, hai tấn vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris. Đây cũng là những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2024 đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được xuất từ Thanh Hà, Hải Dương đi châu Âu bằng đường hàng không.

Vải thiều Thanh Hà được bày bán tại Siêu thị Chợ Việt Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đang là những thị trường đầy tiềm năng cho rau quả Việt Nam. Hy vọng sắp tới sẽ không chỉ vải thiều, nhãn lồng, hay thanh long, mà cả những trái cây khác của Việt Nam sẽ có thể đến với khách hàng khu vực này.

Để đảm bảo chất lượng cũng như sự đồng đều của trái cây xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị các cơ quan chức năng cùng địa phương cần giám sát việc thực hiện các quy trình trong quá trình sản xuất từ việc sử dụng vật tư đầu vào, trồng trọt, chăm sóc, đến thu hoạch của các mã số vùng trồng, để đảm bảo đủ chất lượng, an toàn và dễ dàng, thuận tiện cho công tác truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, kiểm tra giám sát việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đúng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Như Cường cũng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại, mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường truyền thống, thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...; các thị trường mới, nhiều tiềm năng như thị trường các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Đặc biệt, Bộ đang thúc đẩy sớm ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sang thị trường Trung Quốc...

Bộ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng...) thông qua việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch…; đồng thời tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Cơ quan chức năng không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã mở cửa, gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục