Xuất khẩu thủy sản phục hồi chậm, cá tra vẫn gặp khó ở EU

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới sẽ hồi phục dần vì thị trường EU bắt đầu mở cửa thông thương trở lại từ tháng 5, nhu cầu sẽ tăng dần trong những tháng tới.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. (Ảnh: TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 5/2020 ước đạt 570 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đạt gần 3 tỷ USD, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, xuất khẩu cá tra vào EU được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nhiều tháng tới.

Khó hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm 

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2020, hầu hết giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy sản đều sụt giảm, trừ tôm vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 4% với gần 1,2 tỷ USD.

Với nhóm hàng hải sản, đến cuối tháng 5/2020 ước tính xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm trên 4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, cá ngừ giảm 18% và mực, bạch tuộc giảm 19%, các loại cá biển tăng nhẹ gần 5%.

[Cá tra 'chinh phục' thị trường miền Bắc, giảm áp lực xuất khẩu]

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành thủy sản khiến xuất khẩu thủy sản liên tục sụt giảm trong những tháng đầu năm.

Nếu như hai tháng đầu năm xuất khẩu giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc thì từ tháng 3 dịch COVID-19 bùng phát ở các nước EU và Mỹ khiến xuất khẩu thủy sản sang những thị trường này cũng bị đình trệ.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tiếp tục đà sụt giảm thêm 10% trong tháng 5, sau khi đã giảm 11% trong tháng 4. Giá trị xuất khẩu sang thị trường EU cũng giảm sâu 21% trong tháng 5, sau khi đã giảm 23% trong tháng 4. 

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là các thị trường chính nhập khẩu thủy sản Việt Nam 2 tháng qua gồm: Nhật Bản và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.

Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, từ tháng 3/2020, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu phục hồi, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này tăng 35% trong tháng 4 và tiếp tục tăng 20% trong tháng 5.

Dự kiến đến cuối tháng 6, kết quả xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng ổn định nhu cầu nhập khẩu với mức tăng 16% trong tháng 4 và tăng thêm 9% trong tháng 5. Dự kiến với đà tăng trưởng này, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản Việt Nam năm 2020 và sẽ bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm tại các thị trường EU, Mỹ.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới sẽ hồi phục dần vì thị trường EU bắt đầu mở cửa thông thương trở lại từ tháng 5, nhu cầu sẽ tăng dần trong những tháng tới.

Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp tại Mỹ và một số nước khác nên tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại thủy sản chung của toàn cầu. Do vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khó hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm.

Tiếp tục gặp khó ở EU

Tính đến nửa đầu tháng 5/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU chỉ đạt 53,4 triệu USD, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá trị xuất khẩu cá tra sang 4 thị trường đơn lẻ lớn nhất đều giảm rất sâu, cụ thể Hà Lan giảm 31,3%; Đức giảm 31,7%; Tây Ban Nha giảm 16,9% và Bỉ giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, chỉ riêng Hà Lan đã chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU.

Đến thời điểm này, EU đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và ASEAN). Giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm do xu hướng chung khi thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam là Trung Quốc bị ngưng trệ.

Điều này kéo theo giá trị xuất khẩu cá tra sang EU giảm. Giá cá tra phile đông lạnh sang Hà Lan giảm từ 2,94 USD/kg (quý 4 năm 2019)  xuống còn khoảng 2,67 USD/kg (quý I/2020).

Theo phân tích của VASEP, cá tra vốn gặp khó tại EU thời gian qua do cơ cấu nhập khẩu cá thịt trắng của EU tiếp tục dành nhiều "ưu ái" cho các sản phẩm phile cá Cod đông lạnh, phile cá Alaska pollock, phile cá Hake đông lạnh.

Đến cuối năm 2019, cá tra đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong cơ cấu nhập khẩu cá thịt trắng vào thị trường EU, dưới 5% tổng giá trị nhập khẩu.

Thêm vào đó, dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều quốc gia. EU cũng đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử diễn ra trong năm nay với dự báo nền kinh tế khu vực sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục khoảng 7,75%, tất cả mọi lĩnh vực đều khó có thể vực dậy.

“Dịch bệnh khiến hoạt động thương mại, vận tải, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khả năng chi tiêu của người dân cũng bị thu hẹp đáng kể. Nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát sớm thì nhiều khả năng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khu vực này sẽ tiếp tục giảm trong các tháng tới,” đại điện VASEP đưa ra nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục