Xuất khẩu thủy sản năm 2015 sẽ phải đối mặt nhiều thách thức

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, vượt mục tiêu 7 tỷ USD, tuy nhiên sự tăng trưởng này thiếu tính bền vững và ngành vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong 2015.
Xuất khẩu thủy sản năm 2015 sẽ phải đối mặt nhiều thách thức ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013 và vượt 13% so với mục tiêu 7 tỷ USD.

Đây được xem là con số ấn tượng của ngành thủy sản trong năm 2014 và vượt qua những kịch bản lạc quan nhất.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu thủy sản năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn do chưa giải quyết triệt để những tồn tại và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường bên ngoài.

Tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững

Phân tích về tình hình xuất khẩu năm 2014, tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây chưa phải là năm thành công của ngành thủy sản Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng khá ấn tượng một phần là do Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1 tỷ USD nguyên liệu thủy sản trong năm 2014. Điều này đã góp phần thúc đẩy ngành chế biến thủy sản phát triển, song lại dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và nguy cơ mất cân đối giữa nuôi trồng và năng lực chế biến thủy sản trong nước.

Bên cạnh đó, năm 2014 cũng là năm ngành thủy sản đã vấp phải rất nhiều khó khăn do chính sự phát triển quá nhanh trước đó, đặc biệt là ở mặt hàng cá tra.

Trong giai đoạn 2003-2008, ngành cá tra đã phát triển rất nhanh, từ kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD đã tăng lên đến 1 tỷ USD. Nhưng đến nay, tốc độ phát triển chậm lại, đặc biệt là lợi nhuận giảm mạnh.

Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 khá ấn tượng, nhưng lợi nhuận đem lại cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị thủy sản không cao.

Một vấn đề "đau đầu" khác gây ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian qua đó là tình trạng sử dụng hóa chất, chất cấm và thuốc kháng sinh trong nuôi trồng và chế biến.

Trong năm 2014, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận rất nhiều thông tin cảnh báo về các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm, do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép hoặc do phát hiện kháng sinh cấm sử dụng trong sản phẩm tại một số thị trường quan trọng (như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU).

Dưới góc độ của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, mặc dù nhiều doanh nghiệp mong muốn có nguồn nguyên liệu sạch để chế biến xuất khẩu, song cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có một quy trình nuôi tôm hoàn thiện không có thuốc kháng sinh hay nuôi tôm sinh thái.

Dẫn chứng từ chính công ty mình, ông Lê Văn Quang, cho biết, trong 2 vụ nuôi gần đây ông đã thiết kế và thử nghiệm quy trình nuôi tôm không sử dụng thuốc kháng sinh nhưng đều thất bại, trung bình mỗi vụ thua lỗ gần 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, có những lúc doanh nghiệp không thể kiểm soát được việc kiểm tra dư lượng kháng sinh ở tôm nguyên liệu thu mua, khiến doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí. Một lô nguyên liệu đưa vào xét nghiệm phải mất 3 ngày mới có kết quả, doanh nghiệp không thể chờ đợi một khoảng thời gian này để quyết định có nên mua lô, ao này hay không.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang phải chống chọi với thuế chống bán phá giá trong giai đoạn rà soát lần thứ 8 (POR8) từ phía Hoa Kỳ với mức cao kỷ lục. Cụ thể, thuế suất của 2 bị đơn bắt buộc như Công ty Minh Phú là 4,98% và Công ty Stapimex là 9,75%, 30 doanh nghiệp xuất khẩu còn lại vào thị trường này có thuế suất 6,37%.

Mức thuế này xuất phát từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng phương pháp tính mới là “bán phá giá mục tiêu.” Trong khi thuế chống phá giá của POR7, các doanh nghiệp đều có thuế suất là 0%.

Đối với cá tra, thuế chống phá giá cá tra POR10 do phía Hoa Kỳ công bố gần đây vẫn tiếp tục chọn Indonesia làm nước tham chiếu để tính toán biên độ thuế cho doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này đã gây bất lợi rất lớn cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam vì điều kiện, quy mô sản xuất và chi phí đầu vào của Indonesia hoàn toàn không tương đương với Việt Nam.

Đối mặt với thách thức từ bên ngoài

Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2015, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp đã có phần “đuối sức,” nhất là ngành cá tra.

Ngay cả tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tốc độ tăng trưởng và mang lại ngoại tệ nhiều nhất trong năm 2014 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề về an toàn thực phẩm và thuế chống bán phá giá từ phía Hoa Kỳ.

Về tình hình quản lý chất lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản trong nước, Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ra đời đang gặp nhiều phản ứng từ phía doanh nghiệp (hiện đã có quyết định lùi thời gian thi hành).

Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, sự ra đời của Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra theo hướng bền vững nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín là đúng.

Tuy nhiên, các quy định trong Nghị định này chưa bám sát thực tế tình hình nuôi trồng cá tra hiện nay cũng như vấn đề chế biến và xuất khẩu sản phẩm, nhất là quy định tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và hàm ẩm không vượt 83%.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở thủy sản tiếp tục đe dọa tới năng suất cũng như chất lượng sản phẩm trong năm 2015 do một số loại bệnh chưa được kiểm soát.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay, để giải quyết căn cơ dịch bệnh ở thủy sản, cần kiểm soát thật tốt chất lượng con giống; đồng thời phải xây dựng được quy trình nuôi thủy sản trong môi trường tự nhiên, không sử dụng kháng sinh; thâm canh thật cao, kiểm soát môi trường, chất lượng nước…

Mặt khác, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc siết chặt việc kinh doanh thuốc kháng sinh trên thị trường.

Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do các yếu tố thị trường hiện nay như giá dầu giảm mạnh, đồng Yên (Nhật Bản) mất giá,… khiến giá nhập khẩu tăng cao, người tiêu dùng những mặt hàng này sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP khuyến cáo doanh nghiệp không được chủ quan, phải chuẩn bị các phương án đối phó với tình hình khó khăn của các thị trường nhập khẩu, nhất là Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo dự báo của VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 1,5% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra sẽ tương đương với năm 2014; các mặt hàng thủy sản khác sẽ có sự tăng nhẹ so với trước đó như xuất khẩu cá ngừ tăng 5%, mực và bạch tuộc tăng 8%, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng 5%... /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục