Xuất khẩu thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng

Xuất khẩu thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng và vị trí chủ lực

2013 là một năm thắng lợi đối với ngành thủy sản khi duy trì được tốc độ tăng trưởng và vị trí của các đối tượng xuất khẩu chủ lực trên thị trường quốc tế.
Chế biến cá ngừ đóng hộp tại Công ty KTC Food Kiên Giang. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Với kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, tăng hơn 10,7%, năm 2013, được ghi nhận là một năm thắng lợi đối với ngành thủy sản khi duy trì được tốc độ tăng trưởng và vị trí của các đối tượng xuất khẩu chủ lực trên thị trường quốc tế.

Nhận định tình hình năm 2014, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, biến động thị trường, dịch bệnh, thiên tai vẫn tiếp tục tác động đến ngành Thủy sản. Do đó, ngành cần có những giải pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm mới.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất

Theo Tổng cục Thủy sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013 là năm thời tiết không thuận lợi, nhiều mưa bão, giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, tổng sản lượng thủy sản khai thác của cả nước ước đạt 6,05 triệu tấn, tăng 2,1% so với năm 2012; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2,71 triệu tấn, tăng 2,2%; sản lượng nuôi trồng đạt 3,34 triệu tấn, tăng 2%.

Năm 2013, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Điểm nổi bật nhất của xuất khẩu thủy sản là sự vươn lên bất ngờ của tôm thẻ chân trắng. Theo tổng hợp của 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ trên cả nước, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2013 đạt hơn 66 nghìn ha, tăng 57% so với năm 2012, với sản lượng đạt 280 nghìn tấn, tăng 50%.

Với những con số ấn tượng trên, lần đầu tiên tôm thẻ chân trắng vượt qua tôm sú cả về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam đã bù đắp được sản lượng tôm bị sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh, trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm.

Giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2013 đạt mốc 2,5 tỷ USD, tăng tới hơn 33% so với năm 2012 và vươn lên chiếm tới 44% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2013.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối, có được kết quả trên do Việt Nam đã quy hoạch được vùng nuôi, kiểm soát tốt về con giống, truy suất nguồn gốc con giống, thường xuyên rà soát vùng nuôi tôm. Bên cạnh đó, nước xuất khẩu tôm chính trong khu vực là Thái Lan bị dịch bệnh tràn lan, sụt giảm sản lượng.

Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bão lụt, trong khi đây là một thị trường có nhu cầu lớn về tôm. Vì vậy, mặc dù sản lượng tôm Việt Nam không tăng cao nhưng các yếu tố đó đã khiến giá tôm trên thị trường thế giới tăng từ 20-30%.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng của mặt hàng tôm, một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá ba sa, cá ngừ... lại có dấu hiệu giảm nhẹ. Chẳng hạn như cá ba sa giảm khoảng 5% về giá trị và sản lượng. Nguyên nhân một phần là do sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm trong một thời gian dài vì các rào cản thương mại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cạnh tranh nhau về giá khiến giá cá ba sa xuất khẩu giảm. Mặt khác, hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn và môi trường ngày càng khắt khe. Nhiều vùng nuôi cá tra bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết.

Những khó khăn trên đã khiến diện tích cá tra giảm tới 17,5% về diện tích nuôi, sản lượng chỉ đạt 1,15 triệu tấn, giảm 7,6% so với năm 2012. Cùng với cá tra, tôm sú cũng là đối tượng giảm cả về diện tích và sản lượng.

Cần có những giải pháp đồng bộ

Nhận định tình hình năm 2014, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, thị trường, dịch bệnh, thiên tai vẫn tiếp tục tác động đến ngành Thủy sản trong năm. Do đó, ngành cần tiếp tục dự báo và có giải pháp hữu hiệu để đối phó. Đặc biệt tận dụng các chính sách của Nhà nước; nhất là các chính sách về tái cơ cấu ngành Thủy sản. Đó là những tác động thuận chiều mà ngành Thủy sản có thể tranh thủ để vượt qua khó khăn và phát triển.

Tôm vẫn được xác định là mặt hàng chủ lực trong năm 2014, với diện tích tôm sú cả nước theo kế hoạch ước đạt 590.000 ha, sản lượng 270.000 tấn; tôm thẻ chân trắng 80.000 ha, sản lượng 290.000 tấn. Do đó, mặt hàng này sẽ được kiểm soát chặt chẽ để phát triển ổn định, bền vững.

Ông Trần Đình Luân, Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo, các địa phương nuôi tôm nước lợ cần khẩn trương lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh, thường xuyên giám sát và dự báo tình hình, xây dựng lịch thả nuôi cho các vụ tiếp theo nhằm chủ động quản lý dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế toàn vụ nuôi.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, ông Nguyễn Văn Hảo cho rằng, các hộ nuôi tôm cần điều chỉnh lịch mùa vụ cho hợp lý; đồng thời, quản lý chất lượng con giống, chủ động phòng chống dịch bệnh bằng áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và có hướng xử lý phù hợp.

Dự báo sản lượng tôm thẻ chân trắng năm 2014 tăng 20% so năm 2013, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, để giữ vững thị trường, việc tăng cường quản lý hóa chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sẽ rất cần thiết.

Ông Hòe khuyến cáo, các hộ nuôi cần thường xuyên cập nhật danh mục hóa chất kháng sinh cấm và phổ biến cho người nuôi, doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bơm chích tạp chất; đồng thời, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, tìm cơ hội đàm phán giải quyết hoặc giảm nhẹ rào cản thương mại từ thị trường nhập khẩu.

Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống thì cho rằng, cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm các đơn vị làm ăn bất chính, tạo được sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị sản xuất, nhằm cung cấp nguồn giống chất lượng, hiệu quả cao cho người nuôi.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nguyễn Huy Điền nhấn mạnh đến công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cho mặt hàng cá tra trong năm 2014. Theo đó, ngoài các thị trường truyền thống như EU, hai thị trường tiềm năng mới là Trung Quốc và Ấn Độ cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, cá tra cần được phát triển mạnh tại cả thị trường trong nước vì trên thực tế, từ thành thị tới nông thôn đều ít xuất hiện mặt hàng này.

Bên cạnh đó, "Tổng cục Thủy sản cũng sẽ quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho hàng thủy sản Việt Nam để nâng cao giá trị xuất khẩu, giúp ngành phát triển bền vững hơn," ông Điền nhấn mạnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục