Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2022 ước đạt 1,05 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam trong quý 1/2022, chiếm 49,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại tất cả các thị trường. Trong số đó, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Trung Quốc, gấp khoảng 2 lần.
[Doanh nghiệp thủy sản tham vọng với mục tiêu doanh thu nghìn tỷ đồng]
Với các mặt hàng thủy sản chính như cá tra, tôm đều có mức tăng trưởng khá ấn tượng bởi các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá xuất khẩu tốt.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 4/2022 ước đạt 263 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm lên 894 triệu USD, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với mặt hàng tôm, giá trị xuất khẩu trong tháng 4/2022 ước đạt 385 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt 1,339 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 2 năm kiềm chế vì dịch COVID-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng.
Xung đột Nga-Ukraine càng làm cho nguồn cung thủy sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra.
Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra.
Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới.
Những yếu tố đó đã giúp cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá, với mức tăng trưởng 3 con số là 128%.
Với thị trường Trung Quốc, dịch COVID-19 bùng phát mạnh và chính sách "không COVID" của nước này khiến cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng xuất khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra COVID-19 trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe.
Nhưng nhờ nhu cầu xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc gia tăng nên vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam bất chấp những thách thức trên để xuất khẩu sang thị trường này.
Nhờ đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tới hết tháng 4/2022 ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Về thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua giữ giá ổn định sau khi liên tục tăng kể từ giữa tháng 2, được các nhà máy chào giá trong khoảng 30.000-32.000 đồng/kg cho cá size 0,8-1 kg.
Các công ty tập trung bắt cá trong size, các giao dịch bắt cá size lớn từ 1,2 kg trở lên ít do đầu ra thị trường Trung Quốc vẫn khá hạn chế do dịch COVID-19.
Giá cá tra giống có xu hướng giảm sau thời gian tăng mạnh, về mức từ 38.000-40.000 đồng/kg cho loại từ 28-35 con/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Thời tiết thuận lợi hơn, các công ty và hộ nuôi tư nhân rục rịch bắt giống thả lại nhiều hơn.
Giá tôm sú tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 cũng ổn định so với tháng trước trong khi giá tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ do nhu cầu từ các nhà máy giảm.
Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20, 30 và 40 con/kg trong tháng lần lượt ở mức 240.000 đồng/kg, 190.000 đồng/kg và 160.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40, 60 và 70 con/kg giữ lần lượt ở mức 125.000 đồng/kg, 105.000 đồng/kg và 100.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước, cỡ 100 con/kg là 90.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg./.