Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với giá trị trên đã vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung, thời gian tới, vụ sầu riêng chính ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn và trái vụ so với các nước khác sẽ góp phần đưa giá trị xuất khẩu rau quả còn tiếp tục tăng cao.
Thời điểm từ tháng 9, hầu như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và đây là lợi thế về xuất khẩu. Sản lượng và giá trị xuất khẩu sẽ tăng rất nhiều.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và khác so với năm 2022 là số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã tăng gấp nhiều lần.
Đến nay, đã có hơn 300 các mã số vùng trồng sầu riêng và gần hơn 100 mã số cơ sở đóng gói. Do vậy hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ cho việc xuất khẩu cho các diện tích và sản lượng sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên đi một cách thuận lợi.
[Nông sản Việt xuất ngoại: Quan hệ thương mại bền vững dựa trên chữ tín]
“Hy vọng đây là một trong những mặt hàng sẽ góp phần tăng trưởng thêm việc xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản khác cũng chuẩn bị ký kết trong thời gian tới,” Thứ trưởng Hoàng Trung nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cũng lạc quan, với tốc độ tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi tháng như hiện nay, tin tưởng cả năm 2023 ngành rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD.
Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch.
Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng sắp tới sẽ có thêm mít.
Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình ký nghị định thư về xuất khẩu quả dừa tươi.
Ở thị trường Trung Quốc, dừa tươi Thái Lan vẫn chiếm lĩnh thị trường với giá trị xuất khẩu nửa đầu năm 2023 lên đến trên 200 triệu USD. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường của mặt hàng này là rất lớn.
Để kiểm soát cũng như nâng cao chất lượng nông sản, trong đó có mặt hàng rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định liên quan đến quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói rau quả và quy định xử phạt hành chính đối với các vi phạm trên./.