Mặc dù có mức tăng đột biến trong tháng Ba, nhưng tính chung cả quý 1 năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tại buổi giao ban của Bộ Công Thương sáng nay (28/3), ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong tháng Ba, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 40,6% so với tháng trước. Tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 27 tỷ USD, tăng 5,8%, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%.
Quý 1, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 30,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Vụ Kế hoạch cho biết, giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục đi xuống, trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng quặng và khoáng sản với mức giảm lên tới 44,6%, dầu thô giảm 41%, cao su giảm 21,5%, càphê giảm 18,7% và phân bón các loại giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng Ba ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 37% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước trong quý 1 ước đạt 37,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 22,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 14,9 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 1, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt gần 32,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ, còn nhóm cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ...
Như vậy trong quý 1/2016, cả nước xuất siêu 776 triệu USD, chiếm 2% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 4,87 tỷ USD tì ngược lại, khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước lại nhập siêu ước đạt 4,1 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng xuất khẩu thấp trong quý 1/2016 là do kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến có dấu hiệu chậm lại, chỉ ở mức 6,5% và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm ngoái.
"Trong quý 1, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp thêm 2 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu chung, trong khi khối doanh nghiệp nội vẫn còn nhiều khó khăn," đại diện Vụ kế hoạch cho biết.
Trước thực tế trên, để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015 thì mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu phải đạt bình quân từ 14,7-14,8 tỷ USD, tức là tăng bình quân 1,3 tỷ USD so với năm 2015, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong các tháng tiếp theo, các đơn vị thuộc Bộ cần thực hiện nhiều giải pháp về thị trường, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế sản phẩm và kết quả thu được từ các Hiệp định thương mại tự do vừa ký kết để khai thác sâu hơn các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới cũng như đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại nhằm củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu và đạt mức tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra trong năm 2016.
"Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần bám sát tình hình trong và ngoài nước, tham mưu để lãnh đạo Bộ có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới," Thứ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý"./.
Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng lưu ý về những dấu hiệu không thuận lợi trong bức tranh xuất khẩu của quý 1/2016, cụ thể là tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,1% và thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,9% của cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mặt hàng dầu thô, nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước đã giảm tới 52,8%.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm thiết bị máy móc, nguyên vật liệu là đầu vào của sản xuất cũng suy giảm... điều này sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước.
Do vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu không có nhiều giải pháp trong điều hành vĩ mô, nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tạo sự đột phá trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì năm 2016, tốc độ tăng GDP sẽ không đạt được mức 6,7% mà Quốc hội đề ra.