Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Thay đổi tư duy để thích ứng

Nếu thực hiện tốt những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc thì khả năng Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc thời gian tới là rất lớn.
Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Thay đổi tư duy để thích ứng ảnh 1Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn và còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, người sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn mới của thị trường.

Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo thông tin an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/6.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam với quy mô thị trường lên tới 1,4 tỷ dân, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam, trong khi cơ cấu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa hai nước lại có tính bổ trợ cho nhau.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào Trung Quốc đạt 11 tỷ USD. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu nhằm kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, phía Trung Quốc đã có thông báo điều chỉnh hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch từ cuối năm 2018 và bắt buộc áp dụng từ tháng 6/2019. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì mà nước bạn đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Để khắc phục tình trạng trên và khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc.

Nếu thực hiện tốt những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc thì khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc thời gian tới là rất lớn.

Ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển. Những năm gần đây, nhóm hàng nông lâm thủy sản như rau quả, gạo, chè, càphê ngày càng đóng vai trò trụ cột trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần cải thiện, rút ngắn khoảng cách trong cán cân thương mại giữa hai nước.

Theo ông Đào Việt Anh, thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của nhiều mặt hàng Việt Nam. Nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang tăng cao, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thêm vào đó, Việt Nam-Trung Quốc có vị trí địa lý tiếp giáp nhau, thuận lợi trong trao đổi, vận chuyển hàng hóa với chi phí vận tải khá rẻ.

Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Thay đổi tư duy để thích ứng ảnh 2Dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An, Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Trung Quốc cũng phải đối mặt với không ít thách thức bởi những yêu cầu về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, nhãn mác bao bì của Trung Quốc ngày càng chặt chẽ. Do đó, dù muốn hay không thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tìm hiểu thông tin và thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thị trường Trung Quốc hiện chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

[Rau quả Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu vào Trung Quốc]

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 1,2 tỷ USD.

Nguyên nhân là do trước đây, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu rau quả qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Từ đầu năm 2019, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu theo đường chính ngạch với những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng khắt khe hơn nên nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện nay ngành sản xuất rau, quả của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tỷ lệ các nông trại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn rất ít.

"Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của rau quả Việt Nam, với kim ngạch có thể đạt hơn 4 tỷ USD. Nhưng đây không còn là thị trường dễ tính, có gì mua nấy mà đã có sự chọn lọc sản phẩm chất lượng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì mới mong đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc thời gian tới," ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Long An-Mỹ Bình cho rằng những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc không phải là rào cản đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thể xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn khắt khe hơn Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường Trung Quốc, bởi mức sống của người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, tầng lớp trung lưu, người giàu ở Trung Quốc tăng nhanh. Kéo theo đó là nhu cầu lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao cũng tăng lên. Chính vì vậy, người sản xuất, doanh nghiệp phải hướng đến phân khúc thị trường nông sản, thực phẩm cao cấp của Trung Quốc để sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, người sản xuất nông sản cần xác định sản xuất theo tiêu chuẩn không chỉ để bán được giá cao mà để có thể bán được sản phẩm mọi lúc, mọi nơi. Có như vậy thì giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới tăng trưởng một cách bền vững và không còn tình trạng “giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục