Xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 26,5 tỷ USD

Vượt qua khó khăn những tháng đầu năm 2012, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, và thủy sản năm 2012 dự kiến đạt 26,5 tỷ USD.
Vượt qua khó khăn những tháng đầu năm 2012, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, và thủy sản đang từng bước phục hồi khả quan.

Với dự báo kinh tế thế giới sẽ chuyển biến tốt hơn từ cuối quý 3/2012 do sức cầu tiêu thụ, các thị trường trên thế giới sẽ phục hồi trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Dự kiến cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 26,5 tỷ USD.

Tăng trưởng ở hầu hết các mặt hàng

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản bảy tháng năm 2012 ước đạt 15,9 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các mặt hàng nông sản chính vẫn đóng vai trò chủ đạo với giá trị xuất khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD. Ngoại trừ gạo và cao su, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều có sự tăng trưởng khả quan.

Cụ thể, mặt hàng càphê ước xuất khẩu bảy tháng đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 2,5 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng về cả lượng (31,6%) và giá trị (25,4%). Hai thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 12,9%) và Hoa Kỳ (12,4%) tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến, gấp khoảng 9 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Mặc dù vậy, một số thị trường lớn khác như Bỉ lại có sự thụt lùi lượng xuất khẩu chỉ bằng khoảng 40% cùng kỳ năm ngoái. Đối với sản phẩm chè, tình hình tiêu thụ cũng khá tốt, Pakistan tiếp tục giữ vị trí thứ nhất với 19,2% thị phần, ngoài ra tăng trưởng được thấy ở hầu hết các thị trường lớn khác. Lượng chè xuất khẩu 7 tháng qua ước đạt 73.000 tấn, với kim ngạch 108 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,9% về lượng và 4,2% về giá trị.

Trong số các mặt hàng nông sản, hạt điều và tiêu vẫn giữ được sự tăng trưởng cao nhất. Lượng điều xuất khẩu ước đạt 120.000 tấn, kim ngạch 828 triệu USD, tăng 36,5% về lượng và 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng đầu thế giới. Mặt hàng tiêu cũng tăng hơn 20% về giá trị khi xuất khẩu được 80.000 tấn với giá trị đạt 546 triệu USD.

Với mặt hàng gạo, do thị trường xuất khẩu năm nay có nhiều biến đổi, nhiều thị trường truyền thống có sự sụt giảm đáng kể nên giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 458 USD/tấn, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng gạo xuất khẩu 7 tháng ước đạt 4,6 triệu tấn, với giá trị 2,1 tỷ USD.

Đối với xuất khẩu thuỷ sản, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,5% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (17,6%) và Hàn Quốc (8,3%). Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, vướng mắc hiện nay đối với ngành thủy sản Việt Nam là phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật từ một số thị trường, nhất là Nhật Bản.

Trong vài năm gần đây, Nhật Bản nổi lên như một thị trường quan trọng và có nhiều tiềm năng đối với ngành thủy sản của Việt Nam, nhưng đây cũng là nước áp dụng rất chặt chẽ các rào cản kỹ thuật đối với thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là quy định Kiểm soát tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với một số hóa chất, kháng sinh (Trifluralin, Enrofloxacin, Enthoxyquin) trong các sản phẩm thủy sản.

Tập trung vào tiêu thụ sản phẩm

Do ảnh hưởng từ những tháng đầu năm, sức mua thấp nên việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm, nguyên liệu vật liệu phục vụ sản xuất đều chậm, tồn kho nhiều. Vì vậy, theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những tháng cuối năm sẽ tập trung nhiều hơn vào tiêu thụ các sản phẩm đã làm ra của nông dân.

Bộ sẽ xem xét giảm bớt một số chương trình xúc tiến thương mại không cần thiết để tập trung kinh phí cùng với doanh nghiệp và nông dân khảo sát mở rộng thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ như sắn, khoai lang, dừa.

Trong điều kiện như hiện nay, hướng có thể làm giúp nông dân là theo dõi sát thị trường, cân đối lại chương trình xúc tiến thương mại, thông tin cho nông dân biết để có điều chỉnh phù hợp trong sản xuất, cả về số lượng lẫn chủng loại. Từ đó định hướng người dân và các doanh nghiệp tập trung vào làm những cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Đơn cử như, hiện sắn xuất khẩu của ta vẫn chiếm khoảng 90% ở dạng thái lát, thì tới đây sẽ tìm hiểu nhu cầu cụ thể của một số thị trường để chế biến ra nhiều loại khác nhau chứ không chỉ xuất thô như trước.

Tại cuộc giao ban về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để xuất khẩu những tháng cuối năm đạt giá trị cao, Bộ sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường.

Bộ đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định các chính sách hỗ trợ cấp bách cho sản xuất chăn nuôi, thủy sản và hỗ trợ thị trường. Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ nông sản với giá ưu đãi.

Đối với thủy sản, ngoài việc tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu. Đến nay, thủy sản Việt Nam chưa gặp phải những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hóa chất, kháng sinh tại các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU.

Riêng với thị trường Nhật Bản, Bộ cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét chấp nhận các Mức nhập lượng hàng ngày chấp nhận được (ADI) đối với hóa chất kháng sinh đã được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa quốc tế (Codex) công bố để sớm xây dựng mức MRL hợp lý, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa không ảnh hưởng tới trao đổi thương mại giữa hai bên./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục