Trong 5 năm vừa qua, vượt qua tác động lớn của dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng từ 41,4 tỷ USD năm 2020 lên hơn 62 tỷ USD năm 2024. Trong năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn còn có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng.
Đây là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/12.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông lâm sản lớn nhất
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.
Năm 2024, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD; rau quả ước 7,1 tỷ USD; gạo ước 5,7 tỷ USD; càphê ước 5,4 tỷ USD; hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm đạt 3,8 tỷ USD; cao su ước đạt 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, càphê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng lớn (càphê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục, về đích sớm sau 11 tháng
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11/2023. Đáng chú ý, không chỉ “cán đích” sớm, ngành nông nghiệp còn vượt kế hoạch năm trên 1 tỷ USD.
Theo ông Hòa, thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2024 đang có sự dịch chuyển giữa các quốc gia, theo đó Trung Quốc từ vị trí thứ nhất chuyển xuống vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ; một số thị trường có sự gia tăng thị phần như Asean, Trung Đông, EU. Xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có sự chậm lại qua các tháng.
Phân tích về thị trường, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt khoảng 8,7 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm với quy mô dân số trên 330 triệu người và là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu trong năm 2025.
“Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn các sản phẩm như càphê, hạt điều, hồ tiêu, ... nhưng không có thế mạnh để sản xuất. Đây cũng là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế...,” ông Nguyễn Anh Phong cho hay.
Khai thác tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại
Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng. Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản xuất trong nước duy trì ổn định, dự báo nhóm hàng nông sản vẫn có thể đạt tăng trưởng tốt trong quý 1/2025. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...
Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản còn nhiều dư địa tăng trưởng khi Việt Nam đang có các cơ hội lớn trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng khi năm 2025 thực thi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và UAE (CEPA) và vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong ASEAN. Việt Nam cũng đã ký kết thêm nhiều nghị định thư với Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu nuôi trong năm 2025.
Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng ông Ngô Hồng Phong cũng lưu ý xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức mới. Kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ đầu tháng 11/2024 có thể xuất hiện nhiều thay đổi chính sách vĩ mô lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2025 như tiền tệ, thuế, rào cản thương mại... Các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản trong đó có Việt Nam.
Để tận dụng được các cơ hội, ông Ngô Hồng Phong nhấn mạnh cần tập trung công tác tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu, quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi..., tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam.
“Chúng ta cần chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng,” ông Ngô Hồng Phong nói./.