Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có khả năng vượt 47 tỷ USD

Riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, nếu tiếp tục đà tăng như tháng này thì năm 2021 sẽ đạt trên 47 tỷ USD. Đây sẽ là kết quả ấn tượng của nông nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có khả năng vượt 47 tỷ USD ảnh 1Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang ở Khu công nghiệp Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2%.

Riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, nếu tiếp tục đà tăng như tháng này thì năm 2021 sẽ đạt trên 47 tỷ USD. Đây sẽ là kết quả rất ấn tượng của nông nghiệp Việt Nam năm 2021.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI thì giá trị mang lại cho người dân ở mức độ nào đó. Với nông sản thì giá trị đem lại là của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... và là kết quả quá trình tái cơ cấu, đồng thời đặt tiền đề tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025.

[Đưa cam Hà Giang và Cao Phong lên sàn thương mại điện tử]

Đóng góp vào kết quả trên, lĩnh vực trồng trọt đạt 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; trong đó, cao su, càphê, điều, tiêu, lúa gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng cao.

Lâm nghiệp cũng vượt mục tiêu rất ngoạn mục. Đến nay, xuất khẩu lâm sản đã đạt 14,3 tỷ USD và chắc chắn sẽ đạt trên 15 tỷ USD. Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,6 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong hoàn cảnh diễn biến dịch COVID-19 tác động đến lưu thông, phân phối... thì điều quan trọng nhất là nhận định đánh giá đúng tình hình.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn 2015-2020, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo được các tiêu chí trên cơ sở tổng kết của giai đoạn trước như: vùng nuôi, vùng trồng và quản trị theo chuỗi từ cây giống, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại.

Đặc biệt là xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hình thức thương mại điện tử.

Bộ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, Trung Quốc…

Gần đây, Trung Quốc có 2 lệnh là Lệnh số 248 quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh số 249 về các Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2022.

Với quy định mới này, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tập trung đảm bảo các vùng nguyên liệu đạt được tiêu chí và trong quá trình triển khai sẽ không thể không có vướng mắc.

Khi có vướng mắc ở các thị trường, các rào cản kỹ thuật, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ ngay khó khăn.

Tuy kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là 56,5% và đạt gần 4,3 tỷ USD.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết xuất siêu giảm do quy mô vật tư, con giống nhập khẩu thời gian qua tăng. Nhưng đây sẽ là tiền đề tăng trưởng cho giai đoạn sau.

Giá cả vật tư như: thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… và chi phí vận chuyển tăng lên. Như vậy, cần có giải pháp để giảm nhập khẩu.

Đó là việc thực hiện đề án về phát triển thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; áp dụng quy trình sử dụng phân bón, tăng phân hữu cơ để giảm áp lực nhập khẩu; đồng thời có quy trình chăn nuôi, canh tác, trồng trọt thật sự hợp lý khi sử dụng vật tư đầu vào.

Cả nền kinh tế đều có sự nhập khẩu tăng. Từ tháng Chín, giá trị xuất siêu của ngành đã tăng liên tục. Đối với nông nghiệp ở mức như vậy vẫn kiểm soát được, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục