Xuất khẩu ngành rau quả có thể lập kỷ lục mới 7,5 tỷ USD trong năm nay

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2023.
Công nhân bóc múi, cấp đông sầu riêng ở Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đang quyết tâm thúc đẩy đà tăng trưởng, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, đối với xuất khẩu rau quả cũng đang tăng tốc nước rút về đích.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 7,5 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ với kết quả tích cực này, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mọi dự báo và có thể đạt 7,5 tỷ USD - một kỷ lục mới, tăng 1,8 tỷ USD so với mức thực hiện năm 2023.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các sản phẩm khác như chuối, xoài, thanh long và sản phẩm chế biến cũng góp phần quan trọng.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu rau quả Việt Nam với 3,8 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ 2023.

Các thị trường như Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với mức ở hai con số.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có hàng trái vụ nhờ kỹ thuật rải vụ tốt của nông dân. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được.

Có giá trị xuất khẩu tuy không cao như sầu riêng, song dừa tươi tuy mới được phép xuất khẩu vào Trung Quốc đã ghi nhận những tín hiệu tích cực qua việc các doanh nghiệp ký kết các thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.

Sơ chế dừa tươi (dừa uống nước) xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Trong chuyến xúc tiến thương mại mới đây của Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc), ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30-50 container, thậm chí có đơn vị ký thỏa thuận cung cấp 1.500 container. Tất cả các doanh nghiệp tham gia đều có được các thỏa thuận hợp tác xuất khẩu dừa sang thị trường này.

Bên cạnh đó, tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa qua, các doanh nghiệp cũng ký kết được nhiều đơn hàng. Từ khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường đông dân này.

Việc liên tục ký kết hợp tác, đơn hàng lớn, khiến nhiều doanh nghiệp không có đủ hàng để xuất khẩu.

"Hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ với vài công nhỏ lẻ. Do trước đây, người dân trồng chưa thành vùng tập trung và chưa cùng loại giống dừa. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu số lượng lớn với một loại dừa thì việc cung ứng rất khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ gọt dừa của Việt Nam còn thô sơ nên hiệu quả chưa cao, khó đáp ứng đơn hàng lớn. Tuy nhiên, trước nhu cầu của nhà nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc nhập khẩu trang thiết bị máy móc để nâng cao hiệu quả cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường này," ông Cao Bá Đăng Khoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T group cho biết Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất vừa qua tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ghi điểm, tiến sâu vào khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Vina T&T group đã ký kết hợp tác với một chợ đầu mối chuyên phân phối sản phẩm ở Bắc Kinh và một doanh nghiệp logistics để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa tới đây.

Ngoài ra, Vina T&T group cũng tham quan, tìm hiểu cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc, để học hỏi về cách kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Doanh nghiệp mong muốn có thể phối hợp để có thể kiểm nghiệm sản phẩm tại Việt Nam, gắn mã truy xuất sản phẩm.

Từ đó, đảm bảo hàng hóa đã được kiểm soát tốt về chất lượng, giúp thông quan hàng hóa nhanh, người tiêu dùng Trung Quốc yên tâm về sản phẩm.

Với hai mặt hàng vừa ký kết nghị định thư là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh, ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá phía Bắc Trung Quốc là khu vực rất tiềm năng với cả hai mặt hàng này. Dư địa cho hai sản phẩm tại thị trường Trung Quốc khá lớn. Bởi đây là những sản phẩm có thời gian bảo quản dài nên có thể chinh phục mọi nơi của thị trường này. Nếu doanh nghiệp kiểm soát tốt chất lượng thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với dừa Thái Lan.

Việt Nam có nhiều giống dừa, doanh nghiệp cần có sự lựa chọn sản phẩm dừa nào tốt nhất để phát triển thị trường cũng như xây dựng thương hiệu cho dừa tươi Việt Nam.

Với một hướng đi khác, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ hướng đi của doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc sẽ là các sản phẩm trái cây chế biến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sầu riêng đông lạnh sớm được sang thị trường này.

Trở lại về mặt hàng dừa tươi, ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết nhu cầu dừa tươi tại thị trường Trung Quốc có thể phân thành 5 cấp nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận được thị trường này không như các thị trường như Mỹ, EU… đòi hỏi doanh nghiệp phải mạnh cả về nguồn lực và năng lực tiếp cận thị trường, khả năng vận chuyển đáp ứng tốt chất lượng hàng hóa.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, hiện Thái Lan đang chiếm 60% thị phần dừa tại Trung Quốc. Hi vọng với những thỏa thuận hợp tác các doanh nghiệp đạt được, cùng với nỗ lực cải tạo vườn sản xuất trong nước, dừa tươi Việt Nam sớm có thị phần đáng kể tại thị trường này.

Để tạo cơ hội xuất khẩu trái cây sang các thị trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ sản phẩm được trồng tại các khu vực có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Hiện Việt Nam đã có 5.840 mã số vùng trồng trái cây đã được nước nhập khẩu cấp mã số; trong đó, Trung Quốc chiếm 40,2% với 2.350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu.

Việt Nam đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch năm 2024 sẽ đạt khoảng 4,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục