Xuất khẩu lao động năm 2019: Cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao

Năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm đầy triển vọng phát triển đối với xuất khẩu lao động với hàng loạt những thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam.
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm đầy triển vọng phát triển đối với xuất khẩu lao động. Hàng loạt những thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam trong năm 2019.

Nhật Bản vượt lên dẫn đầu

Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích. Tính đến nay, Việt Nam đã đưa được gần 200.000 lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh hàng năm gia tăng nhanh chóng.

Năm 2013, lần đầu tiên lao động được phái cử sang Nhật Bản vượt ngưỡng 10.000 người/năm, năm 2015 đạt trên 30.000 người và năm 2017 là trên 54.000 người. Tổng số lao động Việt Nam hiện đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126.000 người. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hàng năm và số lao động đang thực tập sinh tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2018, lần đầu tiên thị trường Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) để trở thành nước tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất. Tính đến hết tháng 11 năm 2018, Nhật Bản tiếp nhận hơn 60.000 lao động Việt Nam, chiếm gần 50% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

[Lao động Việt Nam 'rộng cửa' làm việc tại thị trường Nhật Bản]

Bước sang năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh và nhanh hơn dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua vào ngày 8/12 và có hiệu lực từ tháng 4/2019. Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Dự luật đang mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản cho lao động Việt Nam.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo nội dung trong luật, trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề: xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/ đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không.

“Về cơ bản, nguồn nhân lực của Việt Nam đều có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của phía Nhật Bản theo chính sách mới. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong năm 2019 chúng ta sẽ đặt trọng tâm hơn trong việc phái cử người lao động trong các nghề như: Đóng tàu, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không…,” ông Phạm Viết Hương nhấn mạnh.

Hàng trăm nghìn cơ hội việc làm tại châu Âu

Những tin vui về cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao trong năm 2019 còn đến từ những bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018. Trong chuyến thăm châu Âu hồi tháng 11 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với hai nước là Bungari và Romania. Từ hai biên bản ghi nhớ này, lao động Việt Nam sẽ có hàng trăm nghìn cơ hội việc làm tại châu Âu.

Lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 6 lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa Bộ Lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.

Không chỉ Bulgari, Romania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu. Romania có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Hiện tại nhu cầu tiếp nhận lao động của Romania là rất lớn khi kinh tế đang tăng trưởng nhanh, bình quân 5-7%/năm. Bên cạnh đó, hiện nay lao động Romania chuyển sang các nước Tây Âu làm việc khá nhiều, điều này dẫn đến lao động trong nước ở các ngành nghề đang thiếu hụt trầm trọng. Romania đang rất cần lao động trong các ngành, nghề: nghề hàn, nghề xây dựng, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp...”

Đánh giá cao triển vọng đưa lao động Việt Nam sang Rumani làm việc trong những năm tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam lựa chọn lao động có kỹ năng, tay nghề, đàm phán, ký kết hợp đồng đảm bảo mức lương, điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi cho người lao động.

Dự báo trong những năm tới, các công ty, doanh nghiệp của bạn cần nguồn cung lao động lên tới con số hàng trăm nghìn người. Lao động Việt Nam sang Romania sẽ có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng (khoảng 13-17 triệu đồng/tháng) tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động chỉ vào khoảng 40 triệu đồng/người.

Trong những năm gần đây số lượng xuất khẩu lao động liên tục tăng, mỗi năm có tới hơn 120.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Sang năm 2019, những cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao đang rộng mở với lao động Việt Nam. Thế nhưng, để có thể nắm bắt được những cơ hội này thì lao động phải rèn luyện kỹ năng về ngoại ngữ và kỷ luật lao động./.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, ước tính, có hơn 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, tăng 7% so với năm 2017
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục